Ngày 3/5/2018 tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định Quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Dưới sự chủ trì của Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH, Tọa đàm là cơ hội để gần 40 đại biểu đến từ các bộ ban ngành trung ương, các thành viên ban soạn thảo, các cơ sở GDNN, các chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trao đổi những điểm mạnh cũng như những và vướng mắc của Dự thảo Nghị định, từ đó giúp ban soạn thảo đề xuất các giải pháp và khuyến nghị góp phần hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực này.
Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí rằng tự chủ chính là điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ hợp tác hiệu quả với khối doanh nghiệp và đảm bảo đào tạo hướng cầu. Bên cạnh đó, những hạn chế của Dự thảo Nghị định cũng được đưa ra thảo luận. “Khối doanh nghiệp đóng góp một nguồn thu quan trọng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy vậy, dự thảo nghị định lần này vẫn chưa đề cập tới hợp tác doanh nghiệp và đặc biệt là những lợi ích mà doanh nghiệp nhận được khi đầu tư vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp”, ông Nguyễn Công Chuyền, Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc cho biết. Một số chủ đề khác được các đại biểu thảo luận sôi nổi là vấn đề tự chủ về tài chính; thành viên, vai trò và trách nhiệm của hội đồng trường; đảm bảo chất lượng đào tạo và tài chính tập trung vào đầu ra hay vì tập trung vào đầu vào như hiện nay; mối liên hệ giữa quyền tự chủ và vai trò của nhà nước; những quy định về chính sách đãi ngộ, thu hút giảng viên đào tạo…
Tổng kết các phiên thảo luận, TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục phó Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao những ý kiến đóng góp và nhấn mạnh: “tự chủ cần đi liền với quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình. Tự chủ không nên chỉ tập trung vào tài chính mà cần phải được thực hiện một cách toàn diện trên cả 3 khía cạnh: nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính”. TS Dũng cũng khẳng định: “Ngoài ra, một điều quan trọng nữa đó là thúc đẩy truyền thông về tự chủ, không chỉ để cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, các cơ sở đào tạo nghề có sự hiểu biết thống nhất để thực hiện tự chủ hiệu quả, mà còn để cộng đồng hiểu rõ và ủng hộ tự chủ một cách rộng rãi.
“Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội” được Chính phủ xác định là một trong ba giải pháp đột phá nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là trong năm 2018, phù hợp với định hướng của Đảng và Chính phủ. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại tọa đàm ngày hôm nay nhằm điều chỉnh, bổ sung và yêu cầu làm rõ dự thảo nghị định qua những phiên thảo luận sôi nổi sẽ được DVET tổng hợp và là đầu vào quan trọng giúp ban soạn thảo hoàn thiện Nghị định Quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hướng đến mục tiêu như đã đề ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng: tính đến năm 2021 sẽ có ít nhất 10% các đơn vị giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ tài chính.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Hợp phần 1 “Tư vấn hệ thống dạy nghề”, thuộc Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện