Với sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác Việt-Đức về Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam, thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), trong ba ngày 30/09/2017, 01 và 02/10/2017 vừa qua, cán bộ phòng tuyển sinh và giáo viên của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (HVCT) đã được tập huấn để thử nghiệm các công cụ mới trong quảng bá đào tạo nghề dành cho hai nhóm đối tượng là giáo viên và học sinh các trường phổ thông (PT). Những hoạt động này nằm trong khuôn khổ đợt Tập huấn về tư vấn hướng nghiệp theo nhóm đối tượng (giai đoạn 2), tiếp nối đợt tập huấn giai đoạn 1 đã diễn ra trong tháng 8 vừa qua.
Giáo viên PT là những người gần gũi với các em học sinh và có tác động, ảnh hưởng lớn lên nhận thức, quan niệm của các em. Hơn nữa, họ còn được giao nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Không chỉ có vậy, giáo viên còn là đối tượng được nhiều phụ huynh tin tưởng và xin lời khuyên để định hướng tương lai cho con em. Tuy vậy, trong thực tế hiện nay, rất nhiều giáo viên PT chưa có đủ thông tin về các bậc học cao đẳng, học nghề và những lợi thế do học nghề đem lại. Tâm lý chung vẫn còn cho rằng học đại học là con đường tốt nhất cho học sinh sau khi các em tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT). Chính vì thế, giáo viên PT là một trong những nhóm đối tượng cực kỳ quan trọng cần phải tác động để góp phần cải thiện nhận thức của xã hội về đào tạo nghề, từ đó góp phần tháo gỡ “bài toán” tuyển sinh đào tạo nghề hiện nay.
Sáng ngày 01/10/2017, 100 giáo viên từ bốn trường: Trung học cơ sở (THCS) Long Trường, THCS Phước Bình, Trung Tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Quận Thủ Đức và Quận 9 đã đến tham gia buổi tọa đàm “Giáo dục – Hướng nghiệp và tuyển sinh giữa trường Cao đẳng Kỹ nghệ II với các trường phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên”. Tại sự kiện, bên cạnh việc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo trường HVCT về đào tạo nghề tại HVCT và lộ trình cũng như cơ hội phát triển sự nghiệp, học vấn sau khi học nghề, các giáo viên còn được tham quan cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học tại HVCT, tìm hiểu sâu thêm về các nghề Môi trường, Điện, Điện lạnh, Cắt gọt kim loại, Ô tô…để hiểu một cách trực quan hoạt động đào tạo nghề của HVCT. Các giáo viên tỏ ra rất tâm đắc với cam kết của HVCT sẽ đảm bảo việc làm cho 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cùng đội ngũ giảng viên của HVCT nhiệt tình, năng động, được đào tạo, tập huấn ở các nước tiên tiến như Đức, Mỹ, Úc,…cũng để lại ấn tượng tốt đẹp cho những giáo viên tới thăm trường. Sau sự kiện, các giáo viên đều thấy hài lòng vì đã có thêm nhiều thông tin bổ ích, hỗ trợ việc định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh của họ. Thầy Bùi Văn Nam, đại diện trường THCS Long Trường chia sẻ: “Dù đã từng xem qua Tờ thông tin về trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (HVCT), nhưng chuyến tham quan HVCT hôm nay vượt quá sức tưởng tượng của tôi!”
Bên cạnh giáo viên PT, các em học sinh chính là đối tượng trực tiếp cần được cung cấp đầy đủ thông tin về đào tạo nghề để các em biết rằng, sau khi các em rời khỏi mái trường phổ thông, học cao đẳng hay học trung cấp nghề cũng là một trong những lựa chọn đầy hứa hẹn cho tương lai. Với mục tiêu đó, sáng ngày 02/10/2017, các cán bộ tuyển sinh và giáo viên trường HVCT đã tổ chức một phiên giao lưu với khoảng 800 học sinh của TTGDTX Quận Thủ Đức, nhằm cung cấp cho các em thông tin về hoạt động đào tạo nghề của HVCT. Buổi giao lưu dù chỉ diễn ra trong 15 phút nhưng đã nhận được sự đón nhận và tham gia nhiệt tình của các em học sinh. Qua buổi giao lưu, các em học sinh đã bước đầu ý thức được sau khi tốt nghiệp THPT, bên cạnh học đại học, học cao đẳng hoặc trung cấp nghề cũng là một con đường khác với nhiều tiềm năng phát triển.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và cán bộ dự án, các học viên lớp tập huấn đã rút được những bài học kinh nghiệm quý báu từ hai hoạt động thử nghiệm công cụ quảng bá đào tạo nghề hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể ở trên, cũng như chỉnh sửa các công cụ này để tiếp tục mở rộng thực hiện những hoạt động tương tự trên địa bàn trong và ngoài TP. Hồ Chí Minh.
Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi nhận thức của giáo viên và học sinh về đào tạo nghề cũng như con đường phát triển sau khi học nghề, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động tuyển sinh và tư vấn hướng nghiệp./.