Theo Thu Thuỷ, Tạp chí điện tử Nghề nghiệp và Cuộc sống
Ngày 6 tháng 8, trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (BCi) long trọng tổ chức trao chứng nhận khóa đào tạo phối hợp và đỗ kỳ thi tốt nghiệp ngành Cắt gọt kim loại ( CGKL), định hướng theo tiêu chuẩn CHLB Đức cho 30 sinh viên (trong đó có 2 sinh viên nữ) Cao đẳng K12, niên khóa 2021- 2024.
Đây là một trong những chương trình đào tạo thí điểm cùng với một số ngành nghề cho sinh viên trong hệ thống 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Chương trình do tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đồng hành hỗ trợ thực hiện.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) chụp ảnh cùng đại diện trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh và các tân kỹ sư
Nhà trường và Doanh nghiệp cùng tham gia hội đồng tư vấn, đào tạo và thẩm định
Khóa đào tạo chương trình chuyển giao từ CHLB Đức nghề Cắt gọt kim loại (Cơ khí chính xác) được thực hiện từ đầu năm 2021, với tổng thời gian 2,5 năm. Chương trình đào tạo có 10 Mô-đun sử dụng phương pháp dạy học dự án với kiến thức, kỹ năng có sự tích hợp cao. Chuẩn đầu ra của khóa đào tạo là tổng hợp chuẩn đầu ra của 10 Mô-đun (MĐ), mỗi MĐ sinh viên được đào tạo hoàn thiện kỹ năng, có năng lực để tham gia thị trường lao động, đáp ứng ngay cho vị trí việc làm yêu cầu tương ứng.
Điều đặc biệt của khóa học này chính là có sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp, 15 doanh nghiệp là thành viên của hội đồng tư vấn nghề CGKL, thuộc các lĩnh vực Cơ khí chính xác, thiết kế và chế tạo khuôn mẫu, lắp đặt, gia công hệ thống cơ khí trong các dây truyền sản xuất trạm cơ điện tử, tự động hóa. Đó là các doanh nghiệp FDI và những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như: Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, Công ty TNHH Fushan, Công ty TNHH Hitachi Energy, Công ty TNHH Symkos, Công ty TNHH Sanwa Việt Nam, Công ty TNHH Inotech, Công ty TNHH SX Cơ khí Hưng Thịnh, Công ty HB Tech Vina, Công ty TNHH One Tech.
Trong vai trò đó, thầy giáo tại các doanh nghiệp đều là những kỹ sư có trình độ cao trực tiếp tham gia giảng dạy cho các em sinh viên. Thầy giáo doanh nghiệp là chủ thể xuyên suốt chương trình đào tạo, cùng nhà trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn yêu cầu kỹ năng trong từng vị trí việc làm của mỗi doanh nghiệp, cùng đánh giá, thẩm định các kỹ năng trong từng mô- đun môn học, cũng như đánh giá sát hạch bảo vệ đồ án tốt nghiệp ngay tại doanh nghiệp. Sự khác biệt này tạo nên chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ưu việt so với mô hình đào tạo thông thường.
Kết quả 100% sinh viên CĐK12 đều hoàn thành chương trình đào tạo và được các doanh nghiệp đánh giá cao toàn diện về: Thái độ học tập, rèn luyện, tác phong làm việc chuyên nghiệp, có tính sáng tạo, luôn thích ứng, cập nhật và ứng dụng được công nghệ trong quy trình thiết kế, sản xuất làm ra các sản phẩm chế tạo cơ khí đạt chuẩn và chính xác.
Ông Nguyễn Sỹ Tùng- Phó TGĐ Công ty TNHH Symkos cho biết: “Là một trong những doanh nghiệp đồng hành với trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh trong đào tạo nguồn nhân lực nghề CGKL. Việc đào tạo nghề CGKL theo tiêu chuẩn Đức rất sát với thực tế. Nội dung kiến thức đào tạo rất khớp với doanh nghiệp cần. Nền tảng lý thuyết, cơ sở thực hành mà các em có được từ nhà trường là nền tảng để khi vào doanh nghiệp các em được nâng cao, đào tạo chuyên sâu. Bởi vậy, các em đều rất tự tin, vào các vị trí việc làm đáp ứng luôn được yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện Symkos nhận 2 sinh viên xuất sắc của chương trình đào tạo này vào làm việc chính thức, với mức thu nhập trung bình từ 12- 15 triệu đồng/ tháng”.
100% sinh viên K12 vừa tốt nghiệp tháng 5/2024 ra trường đã có việc làm, có 3 sinh viên đang làm việc ở thị trường lao động nước ngoài và 04 sinh viên khác đang hoàn thiện ngôn ngữ để tham gia dịch chuyển lao động tại nước ngoài.
Em Đặng Công Tâm, tốt nghiệp đạt loại Giỏi, hiện là nhân viên chính thức của Công ty TNHH Samsung Display cho biết: “Học nghề CGKL theo tiêu chuẩn CHLB Đức đã mang lại cho em rất nhiều kỹ năng, với sự chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong lập trình, CNC rất chi tiết, chính xác đã giúp em tiếp cận nhanh chóng và ứng dụng tốt trong đời sống sản xuất ngay từ khi học tại doanh nghiệp Hitachi. Ứng tuyển vào Công ty Samsung, em đã trải qua phần thi đánh giá năng lực rất nghiêm ngặt liên quan đến kỹ năng: An toàn lao động, trình độ chuyên môn. Em hy vọng với những kỹ năng hiện tại, vào môi trường doanh nghiệp em sẽ phát huy, lĩnh hội và cập nhật được những công nghệ mới, những mô- đun mới để luôn đáp ứng được yêu cầu công việc. Hiện tại em có mức thu nhập từ 15- 16 triệu đồng/ tháng”.
Bà Phạm Việt Hà, Trưởng hợp phần hỗ trợ các cơ sở GDNN CLC ( GIZ) trao chứng nhận cho các tân kỹ sư (Ảnh: Thu Thuỷ)
Vượt qua giới hạn bản thân, hai nữ sinh Bùi Thị Khánh và Mạc Thị Phương Nga lựa chọn nghề CGKL có chung cảm nhận: “Trước đây chúng em từng nghĩ con gái không nên học nghề CGKL vì nghĩ là công việc của nam giới. Tuy nhiên, khi tiếp cận và học tập, với những ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong đào tạo, chúng em nhận thấy nghề này cũng rất thú vị, cơ hội tương lai việc làm tốt, việc gì nam giới làm được thì nữ giới cũng làm được. Ngay tại lễ trao bằng tốt nghiệp này, Công ty Hitachi đã có lời mời nhận vào làm việc”.
Nhân rộng mô hình đào tạo, kỳ vọng có 90 trường CĐ Chất lượng cao, 200 ngành nghề đào tạo đạt chuẩn tiên tiến
Từ thành công của chương trình đào tạo thí điểm này, hiện nay trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh và các đối tác doanh nghiệp tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình đào tạo này cho các sinh viên khóa tiếp theo. Hiện tại, nhà trường có các sinh viên CGKL TC Đức khóa 14 (năm thứ 2) đã hoàn thiện học MĐ 3 tại Công ty UMC, Hưng Thịnh và Symkos, CGKL K13 (năm thứ 3) đang hoàn thiện MĐ 7, MĐ 9 tại Công ty Fushan, Công ty Hưng Thịnh, Công ty Symkos.
Bà Beate Dippmar- Giám đốc khối các chương trình về lao động, GDNN và di dân lao động (GIZ)
Bà Beate Dippmar- Giám đốc khối các chương trình về lao động, GDNN và Di dân lao động ( GIZ) phát biểu: “30 sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo nghề CGKL, định hướng theo tiêu chuẩn CHLB Đức chính là kết quả của sự nỗ lực trong học tập và rèn luyện. Đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp các em tự tin phát huy những kiến thức, kỹ năng vào thực tế công việc cũng như khẳng định sự lựa chọn nghề nghiệp. Kết quả chương trình thể hiện sự cam kết từ phía Tổng cục GDNN, nhà trường, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực từ phía tổ chức GIZ”.
Động viên các tân kỹ sư thực hành, bà Beate Dippmar mong các em sẽ không ngừng học hỏi, học tập suốt đời vì thế giới liên tục thay đổi. Bà cũng chúc mừng các thầy cô giáo ở nhà trường, doanh nghiệp cùng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bà Beate Dippmar bày tỏ mong muốn sẽ nhận được những thông tin phản hồi thường xuyên trong quá trình đào tạo các khóa sau, để từ đó cùng nhau điều chỉnh, cải thiện hơn nữa nhằm đáp ứng tốt hơn cho phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp. Tổ chức GIZ tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở GDNN để lan tỏa và đạt được mục tiêu chung về nâng cao chất lượng GDNN.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết cần nhân rộng mô hình đào tạo theo định hướng tiẻu chuẩn Đức
Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chúc mừng 30 em sinh viên CĐ K12 đã hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo nghề CGKL, định hướng theo tiêu chuẩn CHLB Đức. Khi tốt nghiệp các em chính thức trở thành những tân kỹ sư thực hành, nhưng đó chưa phải là kết thúc, bước sang môi trường làm việc mới với những cơ hội và thử thách, các em cần phát huy tinh thần học tập, luôn cập nhật những công nghệ mới, kiến thức mới để có những kỹ năng mới đáp ứng kịp thời cho yêu cầu của công việc. Đặc biệt, cần có sự liên kết giao lưu cùng với các bạn sinh viên ở các trường được định hướng đào tạo ở các ngành nghề theo tiêu chuẩn CHLB Đức, từ đó học hỏi và chia sẻ thêm những kinh nghiệm chuyên môn. Cùng đó, là không ngừng học hỏi trong môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Có như vậy các em mới tiếp tục gặt hái được thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp. Thành quả trong học tập, công việc chính là cống hiến và đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đánh giá cao chương trình đào tạo nghề CGKL, định hướng theo tiêu chuẩn CHLB của trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 và trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh. Đây là 2 trong số 11 trường được sự quan tâm của tổ chức GIZ đưa nghề CGKL đào tạo thí điểm vừa để đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước, vừa đáp ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động quốc tế. Sinh viên ở hai cơ sở đào tạo này cùng chung một nền tảng công nghệ, phương pháp chuyển giao tiêu chuẩn CHLB Đức.
Ông Dũng cho biết thêm: Định hướng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao, để cạnh tranh được với các nước trong top ASEAN và Thế giới là mục tiêu trong chiến lược phát triển GDNN. Từ nay đến năm 2030, kỳ vọng sẽ có khoảng 90 trường CĐ chất lượng cao, khoảng 200 ngành nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn tiên tiến. Trong đó có 15- 20 ngành nghề tiếp cận với các nước phát triển.
Việc định hướng đào tạo theo tiêu chuẩn CHLB Đức như nghề CGKL tại Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, mặc dù chưa chuyển đổi tương đương cấp quốc tế, nhưng chương trình này đã chuyển giao bài bản theo tiêu chuẩn công nghệ quốc tế.
Đây là ngành nghề lợi thế, trình độ đào tạo của Việt Nam vượt trội so với thế giới. Theo kết quả khảo sát đánh giá thông tin từ doanh nghiệp, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam lọt tốp 4 ASEAN. Điều này đã khẳng định sự nỗ lực, đam mê của các em sinh viên cũng như tâm huyết của các thầy cô giáo ở các cơ sở GDNN trong quá trình đào tạo.
Bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, việc thích ứng chuyển đổi số, ứng dụng những kỹ mới cho người lao động trở nên quan trọng để có thể tự tin, đứng vững trong thị trường lao động đầy biến động cạnh tranh. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực cũng cần chú trọng tới các kỹ năng mềm, phát triển ngôn ngữ để có thể tự tin hòa nhập với thị trường lao động ngay cả trong nước và nước ngoài.
Bắc Ninh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế- xã hội nhanh chóng, là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài uy tín. Ông Dũng đề nghị nhà trường cần có báo cáo các sở, ban ngành, cơ quan chủ quản để nhân rộng mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tại các doanh nghiệp mà còn tiến tới phát triển trở thành cán bộ quản lý trong doanh nghiệp, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các doanh nghiệp.
Sự quan tâm của tỉnh Bắc Ninh đối với GDNN sẽ là động lực để trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh không ngừng nỗ lực, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu sớm trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao quy mô trong thời gian tới.