Trong khuôn khổ chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, khóa đào tạo “Tập huấn giáo viên NTVC xây dựng đề thi cuối kỳ AP1 cho học viên Kỹ thuật viên Cơ điện tử và đào tạo nhân rộng cho các giáo viên NTVC khác” đã được 2 cán bộ nhân rộng là giáo viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận (NTVC) thực hiện cùng với sự hỗ trợ và giám sát của ông Mirco Rudolph – Chuyên gia phát triển tại trường cho 12 giáo viên Cơ điện tử từ 17.07.2023 đến 22.07.2023.
Trong khóa đào tạo này, các học viên đã nâng cao kỹ năng cài đặt trên các hệ thống cơ điện tử; học cách mô tả cấu trúc và nguyên lý hoạt động của các hệ thống cơ điện tử sử dụng các phần tử khí nén, biến tần để điều khiển động cơ điện; thực hành phân tích, vẽ sơ đồ bước, sơ đồ mạch (điện, thủy lực, khí nén,…) của các hệ thống cơ điện tử; các giải pháp được xác định và lập kế hoạch một cách có hệ thống để tiến hành lắp đặt, bảo trì và sửa chữa các hệ thống cơ điện tử. Hoàn thiện lắp đặt mô hình trạm làm việc AP1 là thành quả cuối cùng của các học viên khi vận dụng kiến thức và kỹ năng có được trong quá trình tập huấn.
Bên cạnh việc đạt được các mục tiêu nêu trên, các học viên còn được thực hành trên các trạm làm việc thực được sử dụng cho kỳ thi cuối kỳ. Qua đó, họ có thể hiểu thêm về cách thức tiến hành kỳ thi và những gì sinh viên sẽ phải làm.
“Khóa đào tạo này sẽ mang lại nhiều kiến thức cho giáo viên NTVC về các hệ thống điện khí nén phức tạp và cũng như kiến thức để thực hiện tốt kỳ thi. Tập huấn này không chỉ mang lại những kiến thức và kỹ năng hữu ích cho các giám khảo trực tiếp tham gia kỳ thi tốt nghiệp mà còn cho các giáo viên tham gia giảng dạy nghề này”, ông Mirco Rudolph phát biểu khi bắt đầu buổi tập huấn.
Thầy Trần Văn Linh – Một trong những cán bộ nhân rộng của khóa đào tạo bày tỏ “Tất cả những người tham gia khóa đào tạo đều làm việc rất hiệu quả và học được nhiều kỹ năng thực tế về lắp đặt Cơ điện tử”.
Với những kỹ năng có được qua đợt đào tạo này, các giáo viên NTVC hiện đã chuẩn bị chu đáo để thực hiện phần thi cuối kỳ AP1 và giảng dạy những nội dung cần thiết để sinh viên thực hiện thành công phần thi này.
Hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở Đào tạo nghề chất lượng cao” trong khuôn khổ Chương trình Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).