“Để giải quyết được vấn đề lực lượng lao động có tay nghề cao thì câu hỏi đặt ra là chúng ta phải đào tạo những gì doanh nghiệp cần” lời mở đầu của Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Sở LĐ – TB&XH) Đồng Nai tại hội thảo “Giới thiệu về mô hình đào tạo phối hợp” vào ngày 12/4/2017 tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2).
Nhằm thu hẹp khoảng cách và tạo cầu nối giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, Sở LĐ – TB&XH phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) và Chương trình Đổi mới Đào tạo hghề Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giới thiệu về mô hình đào tạo phối hợp”. Hơn 50 đại biểu từ các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã về tham dự hội thảo và cùng nhau thảo luận làm sao để đào tạo nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động tại khu vực tỉnh Đồng Nai.
Đào tạo phối hợp là một mô hình đào tạo có sự chia sẻ trách nhiệm giữa các trường dạy nghề và các doanh nghiệp trong việc phát triển tiêu chuẩn nghề và chương trình đào tạo; tổ chức, tham gia đào tạo và đánh giá quá trình đào tạo. Thông qua hình thức đào tạo phối hợp, các doanh nghiệp có được một lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu thực tế trong sản xuất, tiết kiệm chi phí tuyển dụng, đào tạo lại và cải thiện đáng kể sự trung thành của người lao động với doanh nghiệp. Các trường đào tạo nghề sử dụng thiết bị, nhà xưởng đào tạo theo nhu cầu của sản xuất. Các bạn trẻ nâng cao khả năng tìm được việc làm và phát triển nghề nghiệp theo hướng lâu dài. Và cuối cùng Đào tạo phối hợp sẽ góp phần vào phát triển kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và góp phần ổn định xã hội.
Ông Peter Wunch, Cố vấn Kỹ thuật cấp cao của GIZ, đã giới thiệu tại hội thảo về Hệ thống đào tạo kép (Đào tạo phối hợp) đúc kết từ các bài học kinh nghiệm và thành công của nước Đức. Dựa vào nền tảng của mô hình, trường LILAMA 2 cùng với khối doanh nghiệp, một số hiệp hội nghề nghiệp và các chuyên gia Đức phát triển các bộ tiêu chuẩn nghề và chương trình đào tạo tương ứng cho 4 nghề kỹ thuật theo nhu cầu của nền sản xuất Việt Nam. Quá trình phát triển và các hoạt động đang được thực thi đã được ông Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng trường LILAMA 2 và ông Bạch Hưng Trường, Cán bộ Chương trình của tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo.
Trong bài phát biểu của mình, Tiến sỹ Lê Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng trường đã khẳng định: Chúng ta không sao chép, Việt Nam phải tìm ra con đường riêng của mình dựa trên các yếu tố thành công và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã đi trước. Quá trình này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của các đơn vị làm công tác dạy nghề và sự đồng thuận và tham gia chủ động của các doanh nghiệp.
Sau khi nghe các bài tham luận của các chuyên gia, hội thảo đã nóng lên trong phần thảo luận. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra từ các vị đại biểu ví dụ: Năng lực và kỹ năng sư phạm của các cán bộ làm công tác đào tạo tại các doanh nghiệp, làm sao đảm bảo học sinh sau khi tốt nghiệp làm việc lâu dài tại doanh nghiệp, những khoản ưu đãi nào cho công ty khi tham gia vào Đào tạo phối hợp, làm sao để quảng bá và thu hút nhiều người học đến với học nghề, cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý.
Để khẳng định vị trí cạnh tranh của tỉnh Đồng Nai, đại diện của Sở LĐ – TB&XH đã tuyên bố hai sáng kiến:
Khép lại hội thảo, Ông Tịnh đã khẳng định “Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định của nền kinh tế và dạy nghề là chìa khoá để đưa đến thành công !”
Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam được thực thi bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thay mặt Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB (BMZ) Đức.