Hà Nội, 16-17.04.2014
Phiên làm việc của PVT 2008 trong khuôn khổ “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã diễn ra từ ngày 16 đến ngày 17 tháng 04 năm 2014 tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề (TCDN), đại diện Ban quản lý các dự án vốn ODA/TCDN, Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, Hiệp hội dạy nghề và Nghề công tác xã hộiViệt Nam, hiệu trưởng/phó hiệu trưởng của 8 cơ sở đào tạo nghề đối tác, giám đốc chương trình cũng như sự tham gia của các chuyên gia CIM và chuyên gia phát triển.
Phiên làm việc nhằm trình bày các kết quả đạt được của PVT 2008 cho đến nay và thảo luận các hoạt động tiếp theo đến cuối dự án (tháng 9 năm 2014) tại 5 cơ sở đào tạo nghề thuộc PVT 2008 dựa vào các bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai, đặc biệt là hoạt động nhân rộng nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình.
Trong phần phát biểu, PGS., TS. Cao Văn Sâm, phó tổng cục trưởng TCDN đã đánh giá cao cách tiếp cận phù hợp và cách thức triển khai khoa học, logic của PVT 2008 đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận như trình độ của cán bộ quản lý và giáo viên ở các cơ sở đào tạo nghề đối tác đã được nâng cao, mô hình đào tạo và xưởng 3 cấp độ đã được phát triển, nhiều mô đun đào tạo định hướng thị trường lao động được triển khai. Ông chia sẻ rằng, để không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường khu vực thì đào tạo nghề tại Việt Nam cần linh động và sáng tạo. TCDN khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề được thụ hưởng áp dụng các kết quả dự án vào công việc hàng ngày, mặt khác các vụ chức năng của TCDN phải hỗ trợ chúng tôi nhân rộng kết quả dự án trong toàn bộ hệ thống. Các mô đun đào tạo được phát triển định hướng theo thị trường sẽ được xem xét phê duyệt để các cơ sở đào tạo nghề có thể chính thức áp dụng chúng trong toàn quốc. Các giáo viên đã được đào tạo sẽ đảm nhận vai trò là cán bộ hạt nhân để tiếp tục phát triển các kỹ năng thực hành cho các giáo viên dạy nghề tại Việt Nam. Các công cụ đảm bảo chất lượng (quản lý xưởng thực hành, nghiên cứu lần vết và khảo sát doanh nghiệp) cần được áp dụng rộng rãi trong hệ thống từ bây giờ. TCDN cũng cần xem xét cách tiếp cận định hướng thực hành (đề cương đào tạo và xưởng thực hành 3 cấp độ) để điều chỉnh chương trình khung và sơ đồ xưởng nhằm đạt được hiệu quả đầu tư.
Tất cả các cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ đã trình bày các kết quả đạt được của họ và các bài học kinh nghiệm từ giai đoạn trước. Ở phần hai của phiên làm việc, các đại biểu được chia thành 3 nhóm thảo luận 3 chủ đề: (1) Hoạt động nhân rộng và áp dụng những năng lực nghề mà các giáo viên đã lĩnh hội được, (2) Thiết lập và duy trì các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng xưởng thực hành ở cơ sở, (3) Nâng cao và thúc đẩy cách thức hợp tác với doanh nghiệp. Các kết quả thảo luận nhóm đóng góp vào việc lập kế hoạch triển khai bền vững các hoạt động. Phần cuối của phiên làm việc, các đại diện của 5 cơ sở đào tạo nghề PVT 2008 đã trình bày các hoạt động tiếp theo và thu thập ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện kế hoạch của họ.
Ông Nguyễn Viết Thắng, phó vụ trưởng, phó giám đốc Ban quản lý các dự án dạy nghề vốn ODA/TCDN và bà Beate Dippmar, cố vấn kỹ thuật cấp cao của GIZ cùng phát biểu bế mạc phiên làm việc. Điều này thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp quản lý của Ban dự án và của GIZ trong việc điều hành hiệu quả hợp phần. Họ thể hiện sự cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các trường thụ hưởng nhằm đảm bảo tác động của hợp phần. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề thụ hưởng và TCDN cần chủ động trong việc áp dụng và nhân rộng các kết quả đã đạt được.