TVET Vietnam

Phát triển kỹ năng xanh là cần thiết để đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam

Hà Nội ngày 14/3/2018, đại diện từ các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội và các trung tâm đào tạo nghề đã cùng nhau thảo luận những thách thức và giải phảp trong việc định hướng thị trường lao động hướng tới một nền kinh tế xanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế tại hội thảo “Tăng trưởng xanh gắn với hội nhập quốc tế trong các vấn đề lao động và xã hội” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, với sự hỗ trợ từ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng Xanh của GIZ. Tại hội thảo, bà Cao Thị Thanh Thủy, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ LĐ, TB &XH đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức của hội nhập quốc tế tới thị trường lao động, các vấn đề xã hội và dạy nghề.

Tiến sỹ Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ, TB&XH đã trình bày tổng quan về những tác động mà nền công nghiệp 4.0 mang lại cho thị trường lao động. Bà Justyna Grosjean, Quản lý dự án Tăng trưởng xanh của GIZ cũng chia sẻ về phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại tự do và đề xuất cho bộ LĐ, TB&XH trong vấn đề này. Tiếp theo đó, bà Lisa-Marie Kreibich, Cố vấn Kỹ thuật của Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam khẳng định vai trò của lực lượng lao động chất lượng cao trong việc hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam. Bà Kreibich nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nghề phù hợp với việc làm. Một yếu tố thành công then chốt là sự tham gia tích cực hơn của doanh nghiệp – các nhà tuyển dụng tương lai trong việc xác định những nhu cầu định tính và định lượng về trình độ chuyên môn và kỹ năng xanh (tiêu chuẩn nghề), cũng như trong việc ứng dụng hoặc phát triển những chương trình đào tạo mới. Doanh nghiệp cũng cần tham gia vào việc phát triển hồ sơ kỹ năng mới, triển khai các khóa tập huấn cũng như công tác kiếm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ. Bà Kreibich chia sẻ kinh nghiệm của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, thành phố Hồ Chí Minh, các công ty xử lý nước thải và Hội cấp thoát nước (VWSA) trong việc phát triển bộ tiêu chuẩn nghề mới và thí điểm những chương trình đào tạo mới được xây dựng cho nghề “kỹ thuật viên xử lý nước thải”. Bà cũng nhấn mạnh trách nhiệm của trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi, một trung tâm Chất lượng cao về Đào tạo nghề mới cho Đào tạo nghề xanh.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề (NIVET), nhấn mạnh cần có những hoạt động cụ thể nhằm lồng ghép những Kỹ năng Xanh vào chính sách. Ngoài ra, những ví dụ và bài học kinh nghiệm tốt cũng đã được chia sẻ bởi các đại diện từ các trung tâm đào tạo nghề, các doanh nghiệp và phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI). Bà Cao Thị Thanh Thủy đánh giá cao những  phần thảo luận sôi nổi; ý kiến từ hội thảo sẽ là cơ sở cho Vụ Hợp tác Quốc tế tiến hành một nghiên cứu về tác động của tăng trưởng xanh và phát triển kỹ thuật đối với thị trường lao động và lĩnh vực đào tạo nghề tại Việt Nam.

TIN TỨC KHÁC