Vào ngày 12/04/2016, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (Hội CTNVN) cùng với Chương trình Đổi mới Đào tạo Nghề tại Việt Nam (GIZ) đã tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát nhu cầu đao tạo ngắn hạn dành cho công nhanh kĩ thuật trong lĩnh vực xử lý nước thải (XLNT).
Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã và đang tiến hành hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn để xây dựng nhà máy xử lý cũng như mạng lưới thoát nước, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Một trong những yếu tố đảm bảo đầu tư vào hạ tầng cơ sở thực sự mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững chính là việc phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu thực tế về vận hành các hệ thống xử lý nước thải. Như ông Lê Văn Gòn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước – Môi trường tỉnh Bình Dương đã nhấn mạnh trong bài thuyết trình tại hội thảo về vai trò nòng cốt của lực lượng công nhân kĩ thuật ‘Nếu không có một lực lượng công nhân kĩ thuật được đào tạo bài bản, thì sẽ không thể nào vận hành các nhà máy XLNT một cách an toàn và hiệu quả được’.
Trước bối cảnh này, từ tháng 01/2016 đến tháng 03/2016, Hội CTNVN dưới sự hỗ trợ của Hợp phần 3: Đào tạo Nghề cho Ngành Xử lý nước thải thuộc Chương trình Đổi mới Đào tạo Nghề tại Việt Nam (GIZ) và chuyên gia đến từ Công ty Thoát nước Dresden, CHLB Đức đã thực hiện một khảo sát nhằm tìm hiểu nhu cầu hiện nay của các công ty cấp thoát nước và XLNT về đào tạo lực lượng công nhân kĩ thuật, thông qua phiếu khảo sát và phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy có đến 90% các công ty xem đào tạo cho công nhân kĩ thuật là đầu tư chiến lược dài hạn. Họ sẵn sàng chi trả cho việc đào tạo cũng như hỗ trợ nhân viên được cử đi học. Tại hội thảo, một lần nữa các doanh nghiệp tham gia khẳng định nhu cầu về đào tạo ngắn hạn là rất cao và cam kết sẽ cùng kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau để tổ chức các khóa đào tao ngắn hạn cho công nhân ngành XLNT.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy 97% doanh nghiệp đồng ý Hội CTNVN là đầu mối cung cấp các khóa đào tạo đảm bảo chất lượng và các khóa học nâng cao sẽ do Hội CTNVN tổ chức, thực hiện và cấp chứng chỉ.
‘Chúng tôi rất ấn tượng với chương trình đào tạo kĩ thuận viên đang được xây dựng và triển khai dưới sự hỗ trợ của chính phủ Đức thông qua GIZ. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ cũng như các ý kiến chuyên môn của dự án. Nhu cầu về nhân lực của công ty chúng tôi là rất cao. Chúng tôi cũng sẵn sàng đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ của mình.’, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hải Phòng chia sẻ trong phần thảo luận của hội thảo. Tại đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Kĩ thuật Công nghệ TPHCM, đơn vị đã hợp tác thành công với Hội CTNVN cũng như các doanh nghiệp trong việc triển khai một chương trình đào tạo liên kết thí điểm kĩ thuật viên ngành XLNT song song tại trường và doanh nghiệp, cũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đào tạo và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào vào các chương trình đào tạo ngắn hạn như là một giải pháp cho nhu cầu cấp thiết về lực lượng lao động mà các doanh nghiệp đang đối mặt.
Các ý kiến phản hồi và đề nghị mà các doanh nghiệp đưa ra trong phần thảo luận đều được đại diện Bộ Xây Dựng, Hội CTNVN và Dự án Đào tạo Nghề cho Xử lý nước thải ghi nhận lại làm cơ sở cho các thảo luận về sau. Ngoài ra, các thảo luận và giải pháp đưa ra tại hộ thảo cũng thu hút được sự quan tâm lớn của các tổ chức hợp tác phát triển quốc tế như Nhật Bản (JICA) và Phần Lan.