Hoà nhập người khuyết tật (NKT) trong giáo dục nghề nghiệp không những đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học; bảo đảm quyền học tập bình đẳng; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học mà còn giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng giá trị thương hiệu, thúc đẩy đồi mới sáng tạo, tạo tác động xã hội và đa dạng hoá nguồn học viên.
Hướng tới xây dựng một môi trường đào tạo và hòa nhập, Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề ở Việt Nam” đã tổ chức hai khoá tập huấn trực tuyến “Nâng cao nhận thức về giáo dục hoà nhập cho NKT” cho 37 thầy cô giáo viên của 20 trường trường nghề vào ngày 21/10/2021 và 05/11/2021.
Khoá tập huấn nhằm trang bị cho giáo viên kiến thức và kỹ năng liên quan đến cách tiếp cận NKT, các rào cản và cách hỗ trợ NKT hoà nhập trong giáo dục nghề nghiệp, các chính sách liên quan đến giáo dục hoà nhập NKT. Đồng thời khoá tập huấn cũng giúp giáo viên thấy được tầm quan trọng của hoà nhập NKT trong giáo dục nghề nghiệp để từ đó thúc đẩy việc hoà nhập NKT tại các trường.
Theo kết quả đánh giá, các thầy cô khẳng định khoá tập huấn đã giúp trang bị kiến thức, kỹ năng về dị tật, các rào cản, mô hình hỗ trợ và cách tạo điều kiện hợp lý với từng dạng dị tật; hiểu được tầm quan trọng của của giáo dục nghề nghiệp hoà nhập, và tạo điều kiện hợp lý cho người khuyết tật; hiểu hơn về hệ thống chính sách liên quan đến hoà nhập người khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp và có thêm kiến thức/kỹ năng về tư vấn tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật một cách phù hợp.
Đặc biệt, khoá tập huấn đã khơi gợi sự hứng thú và tạo sự cam kết của thầy cô trong việc thúc đẩy hoà nhập cho người khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch đã đề ra.
Thấy được tầm quan trọng và tính hữu ích của dự án, các trường đã đề xuất dự án tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nhận thức cho nhân viên từng trường, có những khoá tập huấn chuyên sâu về đào tạo NKT và chia sẻ các tài liệu, giới thiệu các tổ chức để cho trường phối hợp đào tạo cho NKT.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề ở Việt Nam”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện.