Bối cảnh chung
Trong pha II giai đoạn 2020 – 2024 của Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET), Chương trình chú trọng xây dựng cộng đồng giáo viên nòng cốt với mục đích nâng cao năng lực và đào tạo nhân rộng về các chủ đề gắn với chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu được tổ chức trong nước. Đội ngũ giao viên chưa có nhiều cơ hội học hỏi chia sẻ kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức ở cấp độ khu vực ASEAN cũng như trên thế giới.
Trong khuôn khổ phối hợp với Chương trình Hợp tác Vùng về Giáo dục nghề nghiệp khu vực ASEAN (RECOTVET) thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế (GIZ), Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam đã chọn lọc và giới thiệu một nhóm giáo viên nòng cốt thuộc 11 trường cao đẳng đối tác gia các khóa đào tạo do RECOTVET tổ chức. Các tiêu chí lựa chọn giáo viên nòng cốt bao gồm năng lực chuyên môn phù hợp, trình độ tiếng Anh tốt, tâm huyết, và đặc biệt là cam kết chia sẻ lại kiến thức, kinh nghiệm và bài học thực tế từ các khóa học cho giáo viên của 11 trường cao đẳng đối tác của GIZ cũng như tổ chức đào tạo lại cho cán bộ và giáo viên thuộc đơn vị mình.
Hoạt động tổ chức bởi RECOTVET
Cụ thể, từ năm 2022-2023, RECOTVET đã tổ chức các hoạt động nâng cao năng lựccho giảng viên tiếp cận các công nghệ 4.0 và các phương pháp sư phạm số định hướng lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Năm 2022, Khóa đào tạo “Đáp ứng yêu cầu Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4” được tổ chức cho giáo viên Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nòng cốt khu vực ASEAN, bao gồm bốn mô đun:
– Mô đun 0: Dạy và học qua hành động từ 18-20, 25-26/2/2022 (trực tuyến),
– Mô đun 1: Cách mạng công nghiệp, số hóa, sự gián đoạn và tuyển dụng lao động từ 27-29/7/2022 (trực tuyến),
– Mô đun 2: Đào tạo nâng cao năng lực về CMCN lần thứ 4 cho giáo viên GDNN từ 1-5/8/2022 (trực tuyến) và 15-19/8/2022 (tại Bangkok, Thái Lan),
– Mô đun 3: Thiết kế chương trình đào tạo cho quy trình công việc trong bối cảnh CMCN lần thứ 4 từ 29-31/8/2022 và 1-2/9/2022 (trực tuyến).
Từ ngày 31/10-1/11/2022, RECOTVET mời nhóm giáo viên đã tham gia khóa đào tạo trên đến Bankok, Thái Lan dự hội thảo và báo cáo kết quả triển khai hoạt động đào tạo nhân rộng, chia sẻ và áp dung kiến thức và kinh nghiệm đã học vào thực tiễn tại mỗi nước.
Từ ngày 10/3-29/4/2023, RECOTVET tiếp tục tổ chức Khóa đào tạo: “Kỹ năng tư vấn cho những Nhân tố tạo thay đổi trong chuyển đổi số và yêu cầu kỹ năng trong tương lai”. Chương trình đào tạo bao gồm 120 giờ, tổ chức theo hình thức đào tạo kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Trong thời gian từ ngày 25-29/4/2023, các giáo viên được mời từ các nước ASEAN sẽ tham gia hoạt động đào tạo trực tiếp tại Thái Lan. Hoạt động đào tạo này nhằm giúp các giáo viên nòng cốt:
- Phân tích yêu cầu của tổ chức, nguồn lực hiện có và khả năng đáp ứng nhu cầu CĐS
- Thể hiện kỹ năng về con người
- Thể hiện kỹ năng giao tiếp và tư vấn
- Thiết lập kết nối hợp tác giữa GDNN và khối doanh nghiệp
- Tư vấn về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng CMCN 4.0
- Xây dựng kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số
Hoạt động nhân rộng tại Việt Nam
Dưới đây là một số kết quả đáng ghi nhận của nhóm giáo viên nòng cốt đến từ 11 trường đối tác của GIZ tại Việt Nam sau khi tham gia hoạt động của RECOTVET. Cụ thể, đã có sáu giáo viên từ sáu trường cao đẳng đối tác của GIZ tham gia ba chuỗi sự kiện trên, bao gồm:
- TS. Vũ Quang Khuê – Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh
- ThS. Nguyễn Hải Diên – Trường Cao đẳng Việt – Đức Hà Tĩnh,
- ThS. Bùi Quang Khải – Trường Cao đẳng Kỹ thuât Công nghệ Nha Trang
- ThS. Trần Trung Dũng – Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận
- ThS. Phạm Ngọc Hoa – Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
- ThS. Nguyễn Đức Tài – Trường Cao đẳng nghề An Giang
Với sự hỗ trợ của Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, sáu giao viên nòng cốt trên đã thiết kế chương trình, xây dựng nội dung, tài liệu và trực tiếp chia sẻ lại kiến thức đã học cho 48 giáo viên thuộc 11 trường đối tác của GIZ thông qua chương trình hội thảo 2 ngày, từ 24 – 25/10/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với tên gọi “Nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên GDNN về CMCN 4.0”, Hội thảo đã giúp người tham dự nắm được các nội dung sau:
- Phương pháp “Học tập lấy người học làm trung tâm, dạy học dựa trên vấn đề, dạy học theo dự án”;
- Thiết kế chương trình đào tạo theo phương pháp dạy học dự án;
- Những thay đổi về quản lý, quy trình làm việc và năng lực của lực lượng lao động trong CMCN 4.0;
- Giao tiếp giữa người và máy trong PLC, tự động hóa và những tác động của nó;
- Mô hình nhà máy thông minh;
- Hệ thống điều hành sản xuất: MES (Manufacturing Execution System) và ứng dụng MES vào quản lý và xây dựng trường nghề số.
Ngoài ra, nhóm giáo viên nòng cốt này còn triển khai một số hoạt động chia sẻ và áp dụng kiến thức vào thực tiễn, tổ chức đào tạo nhân rộng tại đơn vị họ sau khi về nước. Ví dụ:
“Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đã triển khai hoạt động nhân rộng cho các giảng viên là phương pháp sư phạm số như: cấu trúc của bài giảng và tiểu kỹ năng theo phương pháp dạy học dự án và dạy học nêu vấn đề. Ứng dụng triển khai thiết kế, chế tạo mô hình dạy học thông minh tiếp cận công nghệ 4.0 bằng việc giám sát, điều khiển các phần tử thông qua websever bằng việc giám sát SCADA. Kế hoạch được nhân rộng trong năm 2023 cho các giảng viên khối ngành Điện, Điện tử, Tự động hóa là đào tạo chuyên sâu kỹ năng thiết kế, lắp ráp và giám sát hê thống điện bằng SCADA sử dụng PLC S7-1200”.
TS. Vũ Quang Khuê – Phó Hiệu trưởng
Trường Cao đẳng nghề An Giang (AGVC) đã triển khai các nội dung tập huấn về dạy học dự án cho nhóm 20 giảng viên nòng cốt về sư phạm số của nhà trường và trao đổi chuyên môn với bộ môn cơ điện tử về công nghiệp 4.0 để triển khai đào tạo chương trình cơ điện tử theo chuẩn của Đức. Dự kiến trong 2023, AGVC sẽ nhân rộng việc đào tạo sư phạm số và thiết kế bài giảng cho AGVC và 3 trường trung cấp trên địa bàn tỉnh An Giang, và hỗ trợ tư vấn về sư phạm số cho Cao đẳng Xây dựng số 1 Hà Nội. AGVC cũng đang triển khai từng bước ứng dụng quản lý đào tạo theo mô hình MES trong nhà trường trong thời gian sắp tới.
ThS. Nguyễn Đức Tài
Trường Cao đẳng Kỹ thuât Công nghệ Nha Trang ứng dụng kiến thức từ khóa học để giúp xác định những kỹ năng nghề bị tác động bởi CMCN4.0 (thí điểm nghề Công nghệ ô to và Điện công nghiêp) và cập nhật nội dung công nghệ số hiện hành vào tất cả các nghề
ThS. Bùi Quang Khải
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II sử dụng phương pháp dạy học kết hợp và dạy học dự án để tập huấn cho giáo viên nòng cốt của trường 2 nội dung: Dạy học dựa trên năng lực và thiết kế dạy học trên nền tảng số
ThS. Phạm Ngọc Hoa