Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Để lồng ghép các kỹ năng xanh vào các chương trình đào tạo, với sự hỗ trợ của Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”, một mô-đun cơ bản về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả đã được xây dựng để thí điểm tại trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI) tỉnh Đồng Nai. Ưu điểm của mô-đun này là nó có thể được lồng ghép một cách linh hoạt vào các chương trình đào tạo nghề hiện có trên phạm vi toàn quốc.
Nhằm nâng cao nhận thức về chủ để quan trọng này, hội thảo “Giới thiệu Mô-đun cơ bản về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả” đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23/11/2018. Tham gia hội thảo là các đại diện từ Tổng cục GDNN, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phồ Hồ Chí Minh, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam (VAVET&SOW), trường VCMI, các hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ sở GDNN. Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng, Tổng cục GDNN cho biết: “Các yếu tố xanh hiện đã là một phần của các tiêu chuẩn đầu ra, vì vậy, tôi mong muốn mô-đun cơ bản này sẽ sớm được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới”.
Dựa trên các ý kiến của khối doanh nghiệp, mô-đun gồm ba nội dung chính; cũng là những chủ đề đào tạo quan trọng nhất phản ánh nhu cầu của khối doanh nghiệp: sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, quản lý chất thải và xử lý chất độc hại theo đúng quy trình và thân thiện với môi trường. Mỗi bài học trong mô-đun sẽ bao gồm kế hoạch bài giảng, tóm tắt bài học, tài liệu giảng dạy, các slide powerpoint, tư liệu hỗ trợ dạy học, biểu mẫu, và bài thi trắc nghiệm đánh giá cuối bài học.
Nhóm 18 giáo viên nòng cốt từ trường VCMI và các cơ sở GDNN khác, cũng như đại diện từ doanh nghiệp đã cùng nhau xây dựng mô-đun với sự hỗ trợ của TS Klaus-Dieter Mertineit, chuyên gia quốc tế về xanh hóa GDNN. Chia sẻ về quá trình phát triển mô-đun, TS Mertineit nhấn mạnh: “Tôi rất ấn tượng với cam kết của các giáo viên và cán bộ quản lý của trường VCMI. Bên cạnh công việc giảng dạy thường ngày, họ đã dành rất nhiều công sức để học hỏi về chủ đề mới và phát triển bộ tài liệu cho mô-đun cơ bản này.”
Mười giáo viên đã được đào tạo để trở thành cán bộ nhân rộng cho mô-đun này, tiếp tục đào tạo cho giáo viên từ các cơ sở GDNN trên khắp cả nước. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương bình và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ “Chắc chắn chúng tôi sẽ triển khai mô-đun này tại các cơ sở GDNN ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi chúng ta muốn chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kỹ năng xanh là kỹ năng thiết yếu mà bất kỳ người lao động nào cũng phải có. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng Tổng cục GDNN, Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” và trường VCMI để lên kế hoạch và triển khai mô-đun này”
Kinh nghiệm và phản hồi của các cơ sở GDNN và doanh nghiệp về quá trình thực hiện mô-đun sẽ giúp điều chỉnh và cải thiện mô-đun nhằm đáp ứng yêu cầu của khối doanh nghiệp và các cơ sở GDNN. Mô-đun hoàn chỉnh sau đó sẽ được gửi cho Tổng cục GDNN để thẩm định và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.