Với sự hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (Chương trình TVET), từ cuối năm 2020, trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) đã phối hợp với Công ty TNHH Schaeffler Viêt Nam để thực hiện chương trình Đào tạo Phối hợp định hướng tiêu chuẩn Đức cho nghề Cắt gọt kim loại. Vào sáng ngày 19 tháng 12 năm 2022, lễ tốt nghiệp của 18 em sinh viên khóa K13 được chọn lựa để tham gia chương trình đã được tổ chức với sự tham dự của các đại diện đến từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đồng Nai, Ban lãnh đạo công ty Schaeffler Việt Nam, Ban giám hiệu trường LILAMA 2, đại diện và chuyên gia từ chương trình TVET – GIZ, cùng toàn thể các cán bộ, nhân viên, giảng viên liên quan.
Mở đầu buổi lễ, ông Thẩm Nguyễn Khoa – Giám đốc nhà máy Schaeffler Việt Nam, bày tỏ sự tự hào khi công ty Schaeffler Việt Nam đã trở thành một điển hình thành công trong việc áp dụng mô hình đào tạo phối hợp định hướng tiêu chuẩn Đức để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong hai năm vừa qua, với sự kết nối của GIZ, Schaeffler Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với trường LILAMA 2 để triển khai chương trình đào tạo phối hợp cho nghề Cắt gọt kim loại, từ bước chuẩn bị như lựa chọn sinh viên, xây dựng chương trình đào tạo cùng với nhà trường, cho tới giai đoạn đào tạo tại doanh nghiệp và cuối cùng là bước đánh giá sinh viên theo tiêu chuẩn Đức.
Sinh viên Nguyễn Chí Cường, đại diện của lớp Cắt gọt kim loại khóa K13, phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp: “Chúng em đã nhận được rất nhiều từ mô hình đào tạo phối hợp, không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà còn cả cơ hội nghề nghiệp, định hướng phát triển trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp, chúng em sẽ trở lại Công ty Schaeffler Việt Nam với một vai trò mới, sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển lâu dài của công ty.”
Kết thúc buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng giám đốc Công ty Schaeffler Việt Nam, cho biết công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng với trường LILAMA 2 đào tạo nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp tiếp theo, cũng như chia sẻ, nhân rộng mô hình này trong tương lai.
Hoạt động này được hỗ trợ bởi Chương trình Hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy thác cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện.