Cơ khí, Cắt gọt kim loại, Cơ điện tử, Điện-điện tử…thoạt nghe có vẻ như là lĩnh vực chỉ dành cho nam giới, nhưng lại đang được ngày càng nhiều bạn nữ, có đam mê với khoa học, công nghệ, tự động hóa lựa chọn. Đây chắc chắn không phải là một lựa chọn dễ dàng với rất nhiều rào cản: “Con gái chọn nghề này có học nổi không?”, “Học ở môi trường toàn con trai không an toàn”, “Học nghề này ra xin được việc gì?”, “Con gái học nghề này không có người yêu đâu”… Những điều này xuất phát từ những khuôn mẫu giới nặng nề từ gia đình, trường học đến xã hội, đặc biệt là trong ngành kỹ thuật, cho rằng là con gái thì nên lựa chọn những nghề “việc nhẹ, lương cao”. Vượt qua tất cả những định kiến ấy, các bạn nữ sinh vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê với nghề mình đã chọn.
Ngày 17 tháng 12 năm 2022, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra tọa đàm kết nối dành cho 40 nữ sinh kỹ thuật đến từ 4 trường cao đẳng là đối tác của Chương trình TVET ở khu vực phía Nam (Trường Cao Đẳng Kỹ Nghệ II, Trường Cao Đẳng Cơ giới và Thủy lợi – VCMI, Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 và Trường Cao đẳng nghề An Giang). Qua các hoạt động kết nối và thảo luận nhóm, các bạn đã cùng nhau tìm hiểu về vấn đề bình đẳng giới trong đào tạo và việc làm, trao đổi các kinh nghiệm, khó khăn, thách thức trong quá trình theo học, cũng như được lắng nghe chia sẻ của các cựu sinh viên và đại diện doanh nghiệp để hiểu hơn về môi trường làm việc và triển vọng việc làm.
Đúng với chủ đề ”Kết nối để lan tỏa”, tọa đàm mở ra một không gian để các bạn nữ bước đầu gặp gỡ, chia sẻ, từ đó truyền cảm hứng và khích lệ những bạn nữ khác theo đuổi đam mê. Sự hình thành mạng lưới sẽ tăng thêm cơ hội việc làm cho sinh viên nữ trong lĩnh vực này, cũng như tăng thêm nguồn lực để loại bỏ những định kiến vô hình nhưng là rào cản thật cho phụ nữ khi tham gia ngành kỹ thuật. Mạng lưới cũng hướng đến thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ và trẻ em trong đào tạo và việc làm, đặc biệt là các ngành kỹ thuật, góp phần thúc đẩy một môi trường học tập và việc làm đa dạng và dung hợp.
Hoạt động được thực hiện bởi Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghệ Việt Nam” với sự hỗ trợ kỹ thuật từ ECUE. Chương trình do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy thác cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện. Mục tiêu của chương trình là nâng cao chất lượng của GDNN để thích ứng với thế giới việc làm không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh, số hóa và hòa nhập hơn. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 100 nữ sinh trên khắp cả nước nhận học bổng từ Chương trình khi theo học các ngành nghề kỹ thuật theo tiêu chuẩn của Cộng hòa liên bang Đức.