TVET Vietnam

Hợp tác Việt – Đức hỗ trợ Tọa đàm khoa học về Chiến lược Dạy nghề Việt Nam đến năm 2020

Vĩnh Phúc, ngày 19.11.2011

Hợp tác Việt – Đức về Đào tạo nghề vốn hỗ trợ tích cực quá trình xây dựng Chiến lược Dạy nghề Việt Nam cho 10 năm tới. Vào ngày 19.11.2011, một sự kiện cấp cao đã được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc mang tên “Tọa đàm khoa học về Đổi mới và Phát triển Dạy nghề Việt Nam thời kì 2011-2020”.

Tọa đàm là một sự kiện đáng chú ý trong các nỗ lực chung hỗ trợ quá trình xây dựng Chiến lược. Nó được sự quan tâm đặc biệt và tham gia nhiệt tình của các cán bộ cấp cao của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực Dạy nghề và các chuyên gia, tư vấn quốc tế từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và các tổ chức quốc tế khác như ILO, AFD, KfW.

Đến dự và phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhấn mạnh rằng việc xây dựng lực lượng lao động có chất lượng là một trong những ưu tiên của đất nước như đề ra tại Đại hội Đảng XI. Vì vậy, đổi mới Dạy nghề không chỉ là trách nhiệm của Tổng cục Dạy nghề (TCDN) mà đồng thời là trách nhiệm của các bộ ngành khác và toàn xã hội. Do đó, phạm vi và mục tiêu của Chiến lược Phát triển Dạy nghề cần phải được xác định rõ trong bối cảnh mục tiêu phát triển của đất nước trong thời kì này. Đồng thời, phải nghiên cứu và phân tích chắc chắn thực tiễn làm cơ sở cho việc xác định ra các giải pháp đột phá. Bà cũng gợi ý, xây dựng mạng lưới các cơ sở dạy nghề với những trường chất lượng cao là một giải pháp quan trọng để tạo ra cái cốt yếu cho một hệ thống, và tạo động lực cho đổi mới Dạy nghề Việt Nam. Bà ủng hộ quy trình cho phép triển khai thành công một chiến lược như được khuyến nghị trong bài trình bày của TS. Horst Sommer, Điều phối viên Lĩnh vực Ưu tiên Đào tạo nghề và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định rõ nội dung, phạm vi của từng bước trong mỗi hoạt động.

Tại buổi tọa đàm các chuyên gia đã đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu, mang tính xây dựng cao như bà Trần Thị Tâm Đan, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTNNĐ Quốc hội, GS. TS. Trần Quốc Toản, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về Giáo dục, GS. TSKH. Vũ Ngọc Hải, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, GS. TSKH. Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phái viên của Thủ tướng về Công nghệ Thông tin, bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam, PGS TS Nguyễn Hữu Chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trong nhiều ý kiến và đóng góp khác nhau, các đại biểu đều cho rằng việc làm rõ phạm vi và mức độ “đổi mới căn bản và toàn diện” mà Chiến lược hướng tới là điều quan trọng. Đặc biệt, “tiêu chuẩn nghề”, văn bản mô tả nhiệm vụ và công việc của một người lao động tại nơi làm việc trong tương lai phải được xem là một yếu tố cốt lõi trong việc tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo theo nhu cầu. Và từ đó, mới xác định và xây dựng chương trình đào tạo, thiết bị đào tạo cần thiết cho chương trình, cũng như các tài liệu dạy và học. Và sau đó, sinh viên tốt nghiệp sẽ được đánh giá trên cơ sở các tiêu chuẩn nghề dưới sự tham gia chủ đạo của doanh nghiệp. Những điều này đã được minh họa hết sức cụ thể và sinh động trong bài trình bày của TS. Horst Sommer và các chuyên gia Việt Nam cũng tán thành như PGS. TS. Trần Quốc Toản, Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về Giáo dục, và TS. Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng trường CĐN LILAMA 2, đại diện cho các cơ sở đào tạo tại Tọa đàm. Hơn nữa, việc tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo cũng được các chuyên gia nhấn mạnh như trong phát biểu của bà Nguyễn Thị Hằng và GS. TSKH. Vũ Ngọc Hải.

Tọa đàm diễn ra sôi nổi với sự điều hành của Ban chỉ đạo gồm các thành viên TS. Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phương đông, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng, TCDN và TS. Horst Sommer, Điều phối viên Lĩnh vực Ưu tiên Đào tạo nghề. Trong phần phát biểu kết luận, TS. Dũng nói, rất nhiều ý kiến đóng góp trong Tọa đàm sẽ được tiếp thu, và tiếp tục nghiên cứu. Ông nhấn mạnh quan điểm rằng Chiến lược sẽ lựa chọn một số giải pháp đột phá nhất định trên cơ sở phân tích thực tiễn chắc chắn về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và mục tiêu phát triển đất nước trong 10 năm tới. Để cụ thể hóa các vấn đề nêu ra trong Tọa đàm, sẽ sớm tổ chức tiếp theo các hội thảo chuyên đề để tiếp tục làm rõ những ý kiến và hướng dẫn đưa ra tại Tọa đàm.

Đường Link download các bài trình bày.

{swf;images/Documents/2011.11.19.strategy.swf;}

TIN TỨC KHÁC