TVET Vietnam

Hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp là một tiêu chí kiểm định Cơ sở GDNN Chất lượng cao

“Bộ tiêu chí cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của nhân lực và nên kinh tế Việt Nam, đặc biệt thông qua việc thể chế hóa quan hệ hợp tác với khối kinh tế, gồm doanh nghiệp, phòng thương mại và các hiệp hội nghề nghiệp”, PGS. Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phát biểu trong diễn văn khai mạc Hội thảo tổng kết báo cáo kết quả quá trình rà soát chỉnh sửa “Tiêu chí Trường Chất lượng cao” tại Hà Nội, ngày 11.7.2017

Hội thảo tổng kết được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác ba bên trong lĩnh vực Giám sát và Đánh giá giữa Cục Kiểm định (Tổng cục GDNN), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ và Văn phòng hợp tác quốc tế KOICA tại Hà Nội. Hội thảo đã tổng kết kết quả làm việc của quá trình rà soát chỉnh sửa trong 12 tháng về bộ tiêu chí Trường chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế (CoE). Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm trình bày và thuyết minh chi tiết bộ tiêu chí đề xuất sửa đổi đối với Trường chất lượng cao và Trung tâm xuất sắc trước đây đã được ban hành theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu hội thảo gồm các chuyên gia lĩnh vực kiểm định, lãnh đạo các cơ sở GDNN tham gia vào quá trình chỉnh sửa và thí điểm bộ tiêu chí dự thảo sửa đổi, Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội, các tổ chức đối tác quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ, và văn phòng KOICA. Những ý kiến đóng góp, phản biện của các đại biểu, chuyên gia sẽ giúp các nhà tư vấn chính sách của Tổng cục GDNN, Bộ LĐTBXH trong việc xem xét đề xuất bộ tiêu chí đề xuất sửa đổi.

“Bộ tiêu chí sửa đổi sẽ giúp đảm bảo tính hướng cầu của các chương trình đào tạo của Việt Nam”, bà Britta van Erckelens, Phó giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam do GIZ thực hiện theo ủy quyền của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển liên bang Đức (BMZ) nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc.

Theo đó, bộ tiêu chí có thể sử dụng với nhiều chức năng, làm công cụ định hướng giúp đảm bảo tính hướng cầu khi thiết kế các chương trình đào tạo, đó là thông qua hợp tác chặt chẽ với khối kinh tế, gồm các doanh nghiệp, phòng thương mại và các hiệp hội nghề nghiệp, trong các bước như xây dựng tiêu chuẩn nghề và chương trình đào tạo, cùng thực hiện các khâu đào tạo và đánh giá cũng như cấp chứng chỉ.

Bộ tiêu chí sửa đổi thí điểm gồm 2 phần: các tiêu chí 1-5, cụ thể là i) tính hướng cầu và định hướng thực hành; ii) hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo; iii) năng lực tốt của cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý; iv) thiết kế tổ chức và quản lý hiệu quả; v) đủ tiềm năng tài chính, và tiêu chí 6 gồm các chức năng cao hơn mà một cơ sở GDNN đạt chuẩn quốc tế có thể / cần đảm đương được. Đó là: khả năng cung cấp đào tạo nâng cao cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của các cơ sở GDNN khác trong hệ thống; tư vấn đối với các bộ quản lý của các cơ sở GDNN về thiết lập tổ chức và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thị trường lao động; làm trung tâm về các mạng lưới đào tạo nghề trong nước và quốc tế; là cơ sở đối tác trong triển khai các hoạt động đổi mới đào tạo nghề và nghiên cứu ứng dụng. Tính khả thi của các tiêu chí đã được thử nghiệm thông qua bước áp dụng thí điểm gồm đánh giá trong và đánh giá ngoài tại 5 cơ sở GDNN tham gia thí điểm.

Các đánh giá viên và cán bộ nhân viên 5 cơ sở GDNN tham gia thí điểm đã được đào tạo chi tiết và hỗ trợ chặt chẽ trong suốt quá trình thực hiện đánh giá ngoài. Để đảm bảo chất lượng, bước thí điểm đánh giá ngoài còn được các chuyên gia của Cục kiểm định, GIZ và KOICA tham gia trực tiếp đồng thời cung cấp tư vấn, hướng dẫn, giải đáp khi cần. Hơn thế, bộ tiêu chí, tiêu chuẩn và chỉ số cũng như cẩm nang hướng dẫn về phương pháp đánh giá trong, đánh giá ngoài cũng được rà soát hoàn chỉnh dựa trên kết quả các cuộc đánh giá thí điểm và đã được trình bày với các đại biểu, chuyên gia tại hội thảo.

Theo đó, các đại biểu đã tham luận, phân tích và phản biện sôi nổi nhiệt tình, đóng góp nhiều ý kiến giá trị cho Cục kiểm định về cả cấu trúc tổng thể cũng như nội dung, cách diễn đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn và chỉ số, đặc biệt khuyến nghị đưa chỉ số 6 về “chức năng bổ sung” vào đề xuất bộ tiêu chí sửa đổi.

Đặc biệt, bộ tiêu chí và các tài liệu hướng dẫn thực hiện không chỉ là công cụ kiểm định đối với các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là công cụ quản lí chất lượng đối với các cơ sở đào tạo. Đây được coi là tính ưu việt của bộ tiêu chí này. Hội thảo báo cáo kết quả rà soát và đề xuất chỉnh sửa bộ tiêu chí “Trường chất lượng cao” của Quyết định 761 là một minh chứng nữa về sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan Cục kiểm định/Tổng cục GDNN, GIZ và KOICA tại Việt Nam nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực giám sát – đánh giá. “Sự hợp tác này, về tổng thể sẽ đóng góp vào những nỗ lực chung nhằm đạt được mục tiêu Chiến lược phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020 đặc biệt của “Đề án cải thiện và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2015”, theo TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục kiểm định cho biết.

TIN TỨC KHÁC