TVET Vietnam

Hội thảo triển khai Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam

Hà Nội, ngày 18.9.2013

Việt Nam được biết đến với quyết tâm trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đồng thời cũng là một trong những nước tích cực đáp lại nỗ lực toàn cầu trong việc chống biến đổi khí hậu và bảo tồn hệ sinh thái. Năm 2012, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng Xanh (CLTTX) như cam kết theo đuổi phát triển bền vững. CLTTX được xem là con đường tiến tới đạt được nền kinh tế ít carbon và làm giàu nguồn vốn thiên nhiên. Nó sẽ là định hướng chủ đạo của phát triển kinh tế bền vững (bấm vào đây để xem bản đầy đủ tiếng Việt của Chiến lược).

Có thể nói cách tiếp cận “tăng trưởng xanh” còn khá mới mẻ đối với phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới gồm cả Việt Nam. Việt Nam hiện đang rất nỗ lực đầu tư để thực hiện đạt được mục tiêu CLTTX của mình. Hiện tại, Bộ Kế hoạch-Đầu tư đang tổng hợp quá trình xây dựng Kế hoạch Hành động (KHHĐ) cho chiến lược này. Quá trình này thu hút sự quan tâm lớn của các cơ quan, tổ chức trong nước cũng như cộng đồng tài trợ quốc tế, đặc biệt về vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện KHHĐ này.

Trong bối cảnh này, Hợp tác Phát triển Việt – Đức cùng với cơ quan đối tác, Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề (GDVT) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã tổ chức hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi và thống nhất cách hiểu về “Đào tạo nghề Xanh” cũng như các khái niệm “Xanh” khác.

Trong hội thảo này, đại biểu cũng trao đổi “Đào tạo nghề Xanh” đóng góp như thế nào vào việc đạt được mục tiêu của CLTTX.

Hội thảo đã nhận được sự tham gia đông đủ từ nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp như Bộ NN và PTNT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp tư nhân và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tại đây, các đại biểu hội thảo đã được nghe trình bày tổng quan về CLTTX và Dự thảo Kế hoạch Hành động của nó từ Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ts. Pham Hoang Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường. Qua bài trình bày, Ts. Mai cho thấy 3 nhiệm vụ chiến lược của CLTTX: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Xanh hóa sản xuất, và Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; và 2 chỉ số đánh giá cơ bản, đó là: giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, 2 vấn đề dần dần sẽ trở thành bắt buộc và quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, Ts. Mai cũng giải thích về nhiệm vụ cung cấp nhân lực trong triển khai thực hiện, cụ thể là đối với Đào tạo nghề và Đào tạo nghề Xanh, một phần của CLTTX. Ngoài ra, Ts. Mai cũng chia sẻ một số ví dụ rất thực tiễn và có tác dụng tham khảo về “Đào tạo nghề Xanh”

KHHĐ của CLTTX chỉ rõ đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc chặt chẽ và tích cực của các ban, ngành, chính quyền cũng như toàn xã hội. Theo đó, việc nâng cao nhận thức về khái niệm “xanh hóa” là một trong những bước quan trọng đầu tiên cần thực hiện, các đại biểu hội thảo nhất trí rộng rãi về điều này. Việc này cần được triển khai ở các cấp từ trung ương đến địa phương, cho các ngành khác nhau, các nhóm đối tượng dân số khác nhau đặc biệt, cho cả xã hội dân sự. Ủng hộ quan điểm này của các chuyên gia Việt Nam, Bà Dippmar đến từ Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề do GIZ hỗ trợ chia sẻ rằng những hiểu biết về tăng trưởng xanh có thể lồng ghép vào chương trình đào tạo từ rất sớm như cấp tiểu học chẳng hạn. Việc này sẽ mang lại tác động lan tỏa vì trẻ em hoàn toàn có thể “dậy” cha mẹ và anh chị em mình về những điều các em học được ở trường.

Trong quá trình trao đổi, một đại biểu chia xẻ ý tưởng khá thú vị rằng những việc làm “xanh hóa” nên được đặt ra cho mỗi bản thân, nên bắt nguồn từ cá nhân thông qua những việc làm nhỏ bé nhưng thực tế và hiệu quả. Bà tranh luận “chúng ta thường trao đổi về kế hoạch hành động cho một cơ quan, tổ chức mà chưa tư duy cụ thể những việc xanh chính mỗi cá nhân có thể làm ngay”.

Cùng quan điểm này, các đại biểu đồng tình rằng “đào tạo nghề xanh”, “kỹ năng xanh” và “nghề xanh” chính là việc chúng ta “làm xanh” đào tạo nghề, “làm xanh” kỹ năng, “làm xanh” nghề thay vì tạo mới cái gì đó xanh.

Có thể nói, các đại biểu hội thảo đã thống nhất cao cách hiểu về “tăng trưởng xanh” và “Đào tạo nghề xanh”, đặc biệt qua các ý kiến đóng góp và khuyến nghị cụ thể. GIZ rất quan tâm và sẵn sàng tiếp tục đồng hành với các cơ quan Việt Nam tiến tới hoàn thiện và thực thi KHHĐ của CLTTX – sau khi được phê duyệt chính thức dự kiến trong một vài tháng tới.

Các chuyên gia về “Xanh hóa” của Việt Nam và Đức chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của mình

TIN TỨC KHÁC