Bà Helene Paust, Tham tán Phát triển của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết “Di cư lao động có thể mang đến tác động tích cực cho người di cư cũng như cho các quốc gia điểm đi và các quốc gia điểm đến nếu di cư được tổ chức tốt. Chính sách phát triển của Đức được thiết kế nhằm định hình di cư lao động theo cách trật tự, an toàn, hợp thức, có trách nhiệm và mang lại lợi ích cho các bên “.
Ngày 29 tháng 7 năm 2021, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Cục QLLĐNN) thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Chương trình Di cư và Ngoại kiều (PMD) đã tổ chức Hội thảo Thông tin trực tuyến nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin về các dự án hợp tác Đức-Việt trong lĩnh vực di cư, cơ hội và điều kiện để lao động có tay nghề di cư từ Việt Nam sang Đức. Hội thảo đã thu hút khoảng 140 đại biểu từ các cơ quan chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Đức, các cơ quan chính phủ CHLB Đức, các doanh nghiệp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các đối tác phát triển.
Hội thảo đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về các dự án hợp tác Đức-Việt trong lĩnh vực di cư, trong đó có Chương trình PMD, được Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và tổ chức Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) chịu trách nhiệm thực hiện. Chương trình PMD hỗ trợ các đối tác Việt Nam cải thiện dịch vụ tư vấn cho những người quan tâm đến di cư bằng cách cung cấp các thông tin mới nhất và đào tạo về di cư hợp thức và an toàn. Đặc biệt trong bối cảnh khi “Luật nhập cư cho lao động có tay nghề” của Đức có hiệu lực từ tháng 3 năm 2020. Luật này tạo nhiều cơ hội cho các công dân ngoài Liên minh Châu Âu di cư sang Đức một cách an toàn và hợp thức với mục đích làm việc và học tập.
Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin, thu hút được sự thảo luận sôi nổi giữa các đại biểu tham gia. Nội dung thảo luận đặc biệt xoanh quanh các loại ngành nghề thiếu nhân lực, tiêu chí, quy trình đào tạo và lựa chọn các lao động có tay nghề để di cư sang Đức làm việc. Nhờ đó, các đại biểu đã hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường lao động Đức, khung pháp lý cho di cư có tay nghề sang Đức, quy trình công nhận bằng cấp nước ngoài, thủ tục xin thị thực và các công cụ để tìm kiếm thông tin và tư vấn cho người di cư tiềm năng.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN đã chia sẻ: “Cảm ơn GIZ – Chương trình Di cư và Ngoại kiều đã kết nối các đối tác Đức và các đối tác Việt Nam cùng tham dự vào hội thảo thành công này bất kể những thách thức về đại dịch. Với số lượng lớn các diễn giả đến từ các tổ chức Đức và từ các dự án hợp tác Đức – Việt trong lĩnh vực di cư đã tạo ra một cuộc hội thảo toàn diện, cung cấp nhiều thông tin đáp ứng được nhu cầu cập nhập thông tin về di cư của tất cả các đại biểu Việt Nam và Quốc tế”.