Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng của mô hình đao tào phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã tổ chức Hội thảo tập huấn thí điểm “Kỹ năng sự phạm tối thiểu cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp” trong 4 ngày 14-17.07.2020 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo tập huấn có sự tham gia của 23 cán bộ phụ trách hoạt động đào tạo tại doanh nghiệp của sáu cơ sở giáo dục nghề nghiệp và mười doanh nghiệp đối tác. Tại hội thảo, các đại biểu được giới thiệu, hướng dẫn và thực hành tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp theo năm bước: Đánh giá nhân lực nhân viên, xác định nhu cầu đào tạo, lập kế hoạch đào tạo, thực hiện đào tạo và đánh giá đào tạo. Trong đó phương pháp giảng dạy 4 bước được sử dụng là hướng tiếp cận trọng tâm.
Phát biểu tại Hội thảo tập huấn, ông Bạch Hưng Trường – Trưởng Hợp phần “Hỗ trợ các Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề”, Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”, nhấn mạnh: Một trong những trọng tâm của Chương trình đó là thực hiện mô hình đào tạo phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề nghiệp và doanh nghiệp. Bên cạnh trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả và chất lượng của mô hình đào tạo này.
Kết thúc Hội thảo tập huấn, đại biểu đến từ cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp đối tác đều có những phản hồi tích cực. Ông Lê Trọng Nghĩa, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, cho biết: Hội thảo giúp các doanh nghiệp biết cách thực hiện đào tạo một cách bài bản, giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yên tâm hơn trong việc triển khai mô hình đào tạo phối hợp. Ông Cao Xuân Tuấn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nhận xét: Hướng tiếp cận và kỹ năng sư phạm được giới thiệu tại khóa tập huấn rất bổ ích và thiết thực để bổ sung vào phương pháp đào tạo tại doanh nghiệp.”
Chương trình hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MoLISA).