Năm 2022, Chương trình Đổi mới Giáo dục Nghề nghiệp Việt Nam II (Chương trình TVET) cùng các chuyên gia và cán bộ đầu mối chuyển đổi số (CĐS) từ các trường cao đẳng đối tác đã triển khai nghiên cứu xây dựng Mô đun đào tạo Năng lực số dành cho sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã được trình bày và thảo luận trong phiên làm việc tại Hội thảo Chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp – Dấu ấn năm 2022 và Kế hoạch trọng tâm năm 2023 tổ chức ngày 30/12/2022 tại Hà Nội.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện Mô đun, Chương trình TVET phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Mô đun Đào tạo Năng Lực Số”. Hội thảo hướng đến ba mục đích. Một là nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên công nghệ thông tin thông qua việc giới thiệu các nội dung, phương pháp dạy và công nghệ mới. Hai là tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện nội dung Mô đun thông qua thảo luận, góp ý và phản biện. Ba là thảo luận các đề xuất và kiến nghị về phương thức triển khai áp dụng Mô đun đào tạo Năng lực số.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Chương trình TVET, đại diện Vụ Đào tạo Chính quy – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang – đơn vị đăng cai tổ chức, GS. Hồ Tú Bảo và TS. Nguyễn Nhật Quang – chuyên gia cao cấp của GIZ, nhóm nghiên cứu và xây dựng Mô đun đào tạo, cùng với sự tham gia của 33 đại biểu là đại diện lãnh đạo phòng đào tạo/khoa công nghệ thông tin và giáo viên môn Tin học từ 11 trường cao đẳng đối tác của GIZ.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày tổng quan về cơ sở pháp lý, lộ trình và phương pháp xây dựng Mô đun đào tạo. Sau khi giới thiệu các nội dung chính trong năm chương của Mô đun, các chuyên gia và đại biểu tập trung thảo luận góp ý về tính cân đối trong hàm lượng và thời lượng cho từng nội dung thành phần. Nhóm nghiên cứu hướng dẫn các phương pháp dạy và học mới như lớp học đảo ngược (flipped class), học tập hỗn hợp (blended learning), đánh giá kết quả người học theo quá trình sử dụng e-portfolio dựa trên các công cụ và nền tảng công nghệ như Moodle, Googlesite, H5P… Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những đề xuất và gợi mở về cách xây dựng lộ trình triển khai, số hóa nội dung các giờ dạy lý thuyết, xây dựng kho đề thi, cách thức kiểm tra và đánh giá kết thúc Mô đun.
Tại Hội thảo, ông Hà Đức Ngọc – đại diện Vụ Đào tạo chính quy đánh giá Mô đun đào tạo Năng lực số là một sản phẩm trí tuệ và tâm huyết. Vụ sẽ tham mưu Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) điều chỉnh các văn bản hướng dẫn nhằm nhân rộng Mô đun đào tạo cho các trường trong hệ thống GDNN. GS. Hồ Tú Bảo và TS. Nguyễn Nhật Quang đều nhận định, việc xây dựng Mô đun đào tạo năng lực số là việc làm ý nghĩa, mang tính tất yếu trước sự phát triển của công nghệ và cấp thiết đối với việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân trong thời đại mới.
Hội thảo đã thực sự tạo diễn đàn cho các đại biểu thảo luận, chia sẻ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau thông qua thuyết trình, tranh luận, hay làm việc nhóm theo trường. Sự kiện đã mở ra cơ hội thảo luận chuyên sâu, trao đổi chuyên môn, ứng dụng công nghệ cho quá trình chuyển đổi số công tác dạy và học trong giáo dục nghề nghiệp.
Dựa trên kết quả hội thảo, Chương trình TVET tiếp tục cập nhật và hoàn thiện nội dung Mô đun đào tạo Năng lực số, và gửi phiên bản cập nhật cùng tổng kết hội thảo cho Tổng cục GDNN làm cơ sở cho việc nhân rộng khai thác và sử dụng.
Chương trình TVET sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ trong chặng đường sắp tới, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực số cho giáo viên và sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Trước mắt, Chương trình TVET tiếp tục hỗ trợ tạo cộng đồng chuyên môn nhằm duy trì trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm, bài học, sáng kiến gắn với Mô đun đào tạo Năng lực số cho nhóm đại biểu tham gia Hội thảo này. Theo kế hoạch hoạt động năm 2023, Chương trình sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo nâng cao năng lực về phương pháp sư phạm số cho giao viên nòng cốt của 11 trường cao đẳng đối tác, và sẽ gắn chủ đề hội thảo này với các phương pháp dạy và học mới đề xuất trong Mô đun đào tạo Năng lực số.