‘Chương trình PAM mang lại cơ hội hợp tác tuyệt vời giữa 2 chính phủ Đức và chính phủ Việt Nam. PAM hiện đang thí điểm mô hình mới kết hợp được giáo dục nghề nghiệp với di cư lao động. Đặc biệt mô hình này có sự tham gia của các đối tác khác nhau trong đó phải kể tới sự tham gia của các doanh nghiệp tại Việt Nam và doanh nghiệp tại Đức. Nhờ vậy góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ cho các em học viên có cơ hội tốt hơn tham gia chính thức vào thị trường lao động tại Việt Nam và tại Đức.’ – Ông Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp/Bộ lao động Thương binh Xã hội phát biểu.
Vào ngày 17 tháng 6 năm 2022, tại thành phố Hồ Chính Minh, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (DVET) cùng với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo đối tác triển khai chương trình PAM tại Việt Nam. Hội thảo thu hút được sự tham gia của các đại biểu đến từ DVET (Vụ Đào tạo Chính quy và Văn phòng của DVET) của Bộ Lao động thương Binh xã Hội, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội doanh nghiệp cơ khí điện thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Ishisei Việt Nam, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 và GIZ. Thông qua bài trình bày chi tiết về nội dung hoạt động Chương trình PAM, các cột mốc cần đạt được đã thu hút các đại biểu thảo luận sôi nổi về các hoạt động dự kiến thực hiện, các chủ đề và ý tưởng mới cũng như vai trò của các đối tác tham gia. Các đại biểu cũng thống nhất được các kế hoạch hoạt động trong năm 2022-2023. Điều này đã giúp cho các đối tác có cách hiểu chung và thống nhất được mục tiêu cũng như các bước tiếp theo để triển khai Chương trình PAM.
Bày tỏ về mong muốn đối với chương trình PAM, Ông Vũ Quốc Bình cũng cho biết thêm ‘Hi vọng mô hình chương trình PAM tại Việt Nam thành công và sẽ được nhân rộng tại Việt Nam, mở rộng tới các ngành nghề và trường đào tạo khác trong tương lai.’