Trong khuôn khổ Dự án hợp tác Việt – Đức, từ ngày 09-11/05/2023, Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (TVET-GIZ) phối hợp cùng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh tổ chức hội thảo “Đánh giá và Trao đổi Kỹ thuật 2023”. Hội thảo có sự tham gia của 25 cán bộ lãnh đạo từ 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối tác của Chương trình TVET-GIZ, các chuyên gia cao cấp về hợp tác với doanh nghiệp, chuyển đổi số, truyền thông và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Đây là hội thảo tường niên do TVET-GIZ phối hợp tổ chức với 11 trường đối tác. Mục đích của hội thảo gồm:
- Đánh giá quá trình và hiệu quả các hoạt động hợp tác giữa TVET-GIZ và 11 trường từ góc nhìn của các trường
- Trao đổi kinh nghiệm thực tế về 5 chủ đề nóng trong phát triển nhà trường nhằm tăng hiệu quả và tác động triển khai
- Thảo luận và tìm ra giải pháp cho các vấn đề/vướng mắc thực chiến
Ngoài các báo cáo đánh giá kết quả triển khai hoạt động năm 2022 và trọng tâm hoạt động năm 2023 giữa TVET-GIZ và các trường, các đại biểu dành hầu hết thời gian hội thảo cho 5 phiên chuyên đề. Lãnh đạo của 11 trường đối tác của TVET-GIZ được khảo sát để chọn ra 5 vấn đề “nóng” nhất để đánh giá, thảo luận và trao đổi kinh nghiệm, bao gồm:
- Hợp tác với doanh nghiệp,
- Đảm bảo chất lượng,
- Thu hút sinh viên tham gia học nghề và giáo dục nghề hòa nhập,
- Thực hiện chuyển đổi số,
- Thu hút và giữ chân đội ngũ cán bộ chất lượng cao.
Mỗi phiên chuyên đề được bắt đầu với các bài trình bày những kinh nghiệm, cách làm “thực chiến” hiệu quả của các trường, sau đó là phần thảo luận chuyên sâu, trọng tâm vào hiện trạng, thách thức và giải pháp thực tế và cụ thể trong triển khai từng nội dung. Lãnh đạo và cán bộ đầu mối cho các chuyên đề của các trường chuẩn bị bài trình bày và tự điều phối các phiên thảo luận. Chuyên gia cấp cao và chuyên gia nội bộ của GIZ bổ sung góc nhìn chuyên sâu và khách quan. Thông qua quá trình trao đổi cởi mở, tích cực, các đại biểu tự đánh giá và đề xuất các giải pháp cải thiện hiện trạng tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp của mình, cũng như thống nhất các hoạt động cùng triển khai nhằm tối ưu hóa nguồn lực và hiệu quả.
Trong ngày cuối của hội thảo, các đại biểu tham quan và làm việc với tập đoàn Goertek Việt Nam – công ty đang liên kết đào tạo theo mô hình phối hợp “1+1+1” với Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh để tìm hiểu thêm về Trung tâm Đào tạo tại doanh nghiệp của Goertek và mô hình đào phối hợp đang được triển khai. Theo mô hình “1+1+1”, sinh viên cao đẳng nghề công nghiệp điện tử và nghề tự động hóa của trường sẽ học các môn chung, môn cơ bản và định hướng nghề nghiệp tại trường trong năm thứ nhất. Các em sau đó học các mô-đun tích hợp lý thuyết và thực hành nghề tại Trung tâm Đào tạo tại doanh nghiệp trong năm thứ 2. Năm thứ 3, các em sẽ hoàn thành các mô đun nâng cao và kỹ năng sản xuất tại nhà máy của Goertek. Các kỳ thi cuối mô-đun và thí tốt nghiệp được thực hiện xây dựng và thực hiện dựa trên chuẩn đầu ra cho mỗi nghề.
Phát biểu về hội thảo, thầy Nguyễn Đức Lưu – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho biết “Hội thảo năm nay thực sự là “cho các trường và bởi các trường”. Hội thảo đã huy động được tinh thần làm chủ trong quản lý thay đổi, chia sẻ cách làm, chia sẻ nguồn lực, hợp tác để các trường phát triển ngày càng mạnh và hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.” Nối tiếp hội thảo, các trường sẽ xây dựng các nhóm chuyên đề chung của 11 trường để tiếp tục thảo luận, trao đổi và hợp tác.
Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm mục đích gắn kết công tác đào tạo nghề tốt hơn với thế giới việc làm đang không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh và được số hóa hơn.