Ngày 22 và 23 tháng 11 vừa qua, trong khuôn khổ Chương trình Đổi mới Đào tạo Nghề Việt Nam, Hội thảo Đánh giá và Lập kế hoạch ngành Thoát nước và Xử lý nước thải cũng như thảo luận về Đề xuất Hội đồng kỹ năng nghề đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các chuyên gia và đại biểu đến từ Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, bộ Xây dựng, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hội cấp thoát nước Việt Nam, đại diện các trường Cao đẳng và doanh nghiệp đối tác của dự án, các trường đại học, Tư vấn GOPA và GIZ.
Hội thảo đã được tổ chức với các mục tiêu thảo luận về những thành tựu nổi bật của nhóm ngành Thoát nước và Xử lý nước thải đã đạt được trong pha hiện tại (2021-2023) cũng như kế hoạch hoạt động của dự án trong pha sắp tới. Các đại biểu đã có các thảo luận về Hội đồng nghề quốc gia và trao đổi ý kiến về các cơ chế của hội đồng kỹ năng nghề bền vững để cải thiện quản lý nước thải tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu đã có dịp đi thực tế tại nhà máy xử lý nước thải chính tại thành phố Hồ Chí Minh.
Mở đầu hội thảo, cô Maria Zandt – Phó Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo Nghề Việt Nam đã nhấn mạnh sự trân trọng việc hợp tác hiệu quả giữa tất cả các bên trong suốt thời gian pha hiện tại của dự án, cũng như rất mong nhận được đóng góp ý kiến, đánh giá của các đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cán bộ doanh nghiệp để dự án có thể phát triển tốt và hợp lý hơn trong thời gian tới.
Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhóm về các thành tựu lớn đã đạt được. Dự án được đánh giá là đã gắn kết hơn được doanh nghiệp và nhà trường và giữa các trường với nhau, nhất là việc chung tay xây dựng thành công giáo trình và bộ tài liệu tham khảo của ngành Thoát nước và Xử lý nước thải theo tiêu chuẩn Đức. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng dự án đã có nhiều hỗ trợ đáng kể về trang thiết bị dạy học cho nhà trường, thực hiện truyền thông ngành, cung cấp học bổng cho người học cũng như nâng cao năng lực chuyên môn của giảng viên tại trường và tại doanh nghiệp từ các khóa đào tạo chuyên sâu. Những thành công của dự án trong suốt pha đã được ghi nhận cũng như đúc kết những kinh nghiệm có được để có được một kế hoạch rõ ràng hơn để phát triển dự án trong pha tiếp theo.
Tiếp theo, ông Willy Lenk, đại diện phía chuyên gia Đức tại Dresden đã gửi lời chia sẻ trực tuyến với các đại biểu thể hiện sự cam kết đồng hành của các chuyên gia trong quá trình xây dựng dự án. Các đại diện đến từ Trường Cao đẳng Xây dựng Số 1, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế và Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II – là ba trường đối tác chính của dự án trong pha hiện tại cũng đã có phần trình bày về những thành công cũng như thách thức đã trải qua. Bên cạnh khối nhà trường, hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đến từ đại diện khối nhà nước và khối các doanh nghiệp.
Ngày tiếp theo, các đại biểu đã cùng nhau bàn luận về Đề xuất mô hình Hội đồng kỹ năng nghề Thoát nước và Xử lý nước thải. Nhiều ý kiến giá trị đã được đưa ra từ nhiều bên về các mục tiêu quan trọng như cung cấp tư vấn kỹ thuật, vận động cải thiện hình ảnh của ngành, thiết lập cơ chế hợp tác hiệu quả và bền vững của Hội đồng kỹ năng nghề cũng như đánh giá và cung cấp thông tin cập nhật. Hội thảo đã đi đến một số thống nhất về những việc cần thực hiện cũng như những cột mốc quan trọng cần đạt được trong thời gian tới. Sau đó, các đại biểu đã cùng nhau đến tham quan nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa và học hỏi các công nghệ đang được ứng dụng tại đây.
Hội thảo tổng kết đánh giá và lập kế hoạch ngành nước đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều kỳ vọng dự án sẽ tiếp tục đồng hành và phát triển bền vững hơn nữa trong pha tiếp theo với sứ mệnh xây dựng một Việt Nam “xanh” hơn.