Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET) trọng tâm hỗ trợ ba mảng: tư vấn chiếc lược và chính sách chuyển đổi số (CĐS), nâng cao năng lực CĐS cho cán bộ và giảng viên, và phát triển các giải pháp số cho đối tác GDNN tại Việt Nam.
Cho đến nay, toàn bộ 11 trường cao đẳng đối tác của GIZ đã được hỗ trợ xây dựng và vận hành phòng e-learning phục vụ sản xuất học liệu số, 05 trường được hỗ trợ nền tảng quản lí học tập LMS, 04 trường được hỗ trợ xây dựng nền tảng quản trị số, 02 trường được hỗ trợ 04 gói cloud server. Nền tảng tài nguyên GDNN mở (OVETR) được xây dựng và thí điểm nhằm thúc dẩy chia sẻ và dùng chung học liệu số trong cộng đồng giữa 11 trường đối tác, 03 doanh nghiệp liên kết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Chương trình TVET.
Trong năm 2022, GIZ hỗ trợ triển khai một số hoạt động cụ thể: Đánh giá quá trình và kết quả hoạt động CĐS tại 11 trường đối tác, nghiên cứu xây dựng mô hình trường nghề thông minh, cập nhật môn Tin học MH05 theo định hướng mô đun đào tạo năng lực số. Ngoài ra, 60 sự kiện gồm khóa tập huấn, hội thảo, họp tư vấn chiến lược đã được tổ chức trong năm 2022 nhằm nâng cao năng lực cho ban lãnh đạo, cùng các cán bộ, giảng viên đến từ Tổng cục GDNN và 11 trường đối tác. Cụ thể, với 12 hội thảo nâng cao nhận thức CĐS, 18 khóa đào tạo nâng cao năng lực khai thác nền tảng số và 11 cuộc họp tư vấn chiến lược CĐS, Chương trình TVET đã tiếp cận 1.840 đại biểu tham dự với tổng số 399 giờ tập huấn, hội thảo và thảo luận chuyên sâu.
Sau hơn hai năm hỗ trợ, đây là thời điểm phù hợp để nhìn lại và thảo luận xác định kế hoạch CĐS trọng tâm và chiến lược hành động cho năm 2023 và xa hơn. Vì lí do đó, Hội thảo “Thảo luận kết quả hoạt động chuyển đổi số năm 2022 và kế hoạch trọng tâm năm 2023” đã được tổ chức nhằm tạo diễn đàn thảo luận chuyên sâu, chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như những khó khăn vướng mắc còn tồn tại dựa trên nhóm hợp phần của hệ sinh thái CĐS trong GDNN.
Thông qua phần trình bày về mô hình trường nghề thông minh, TS. Nguyễn Nhật Quang đã nhấn mạnh rằng nhận thức về CĐS tại các trường đối tác đã có những chuyển biến rất đáng ghi nhận. Các trường có cách tiếp cận CĐS đi từ hệ sinh thái CĐS mang tính toàn diện và tổng thể trong định hướng xây dựng mô hình trường nghề thông minh. Bên cạnh đó, trong cộng đồng 11 trường đối tác của GIZ hình thành được các nhóm hạt nhân theo các chủ đề chuyên môn khác nhau. GIZ đóng vai trò kết nối và xây dựng mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn, học tập lẫn nhau cùng nhau phát triển.
Bên cạnh đó, trong bài trình bày về đánh giá hiệu quả kết quả hoạt động CĐS tại 11 trường cao đẳng đối tác, GSKH. TS. Hồ Tú Bảo đã đưa ra nhận định về ba thách thức chính trong quá trình thúc đẩy CĐS: “Một là, hoạt động CĐS chưa đồng đều ở 11 trường đối tác. Hai là, nhân thức về CĐS đã được nâng cao, tuy nhiên các trường còn lúng túng trong cách triển khai CĐS cụ thể. Ba là, hoạt động CĐS còn thiếu nguồn lực đầu tư và nhân lực”.
Nội dung trình bày và thảo luận về kết quả nghiên cứu và cập nhật môn Tin học 05 theo định hướng mô đun đào tạo năng lực số nhận được sự quan tâm rất lớn từ các đại biểu. Sau bốn năm triển khai, môn Tin học đứng trước yêu cầu cần phải đổi mới và cập nhật để đáp ứng yêu cầu của CĐS trong GDNN. Những nội dung mới về công cụ số, nền tảng số, kỹ năng làm việc và cộng tác trên môi trường số, phương pháp triển khai và đánh giá môn học… là những thay đổi ý nghĩa mà nhóm nghiên cứu mang đến cho môn học này.
Từ những kết quả thảo luận của các nhóm làm việc, kết hợp với các tư vấn, phản hồi của chuyên gia, Hội thảo đã tổng hợp được các ý kiến trọng tâm đối với hoạt động CĐS trong năm 2023. Trong đó, nâng cao phương pháp dạy học số và năng lực số, nâng cấp hạ tầng, nền tảng và xây dựng học liệu số được các trường xem là những vấn đề cốt lõi cần được ưu tiên triển khai hàng đầu. Dữ liệu và kết nối, cũng như chuyển đổi số nôi dung đào tạo được xếp vào nhóm trọng tâm ưu tiên tiếp theo. Kết quả thảo luận tại Hội thảo tạo cơ sở quan trọng cho Tổng cục GDNN, 11 trường đối tác và Chương trình TVET trong việc hoạch định chính sách, kế hoạch trọng tâm cho năm 2023 và tương lại xa hơn.