Ngày 24 tháng 03 năm 2022, tại giảng đường Sankt Augustin thuộc trường Đại học Khoa học ứng dụng Bonn-Rhein-Sieg đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Di cư lao động bền vững” với sự tham gia của những bên liên quan đến từ các quốc gia: Đức, Goergia, Kosovo và Việt Nam.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ của dự án nghiên cứu ‘Quản lý di cư lao động bền vững và được xã hội chấp nhận’ được Chương trình Di cư và Ngoại kiều (PMD) / Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ. Dự án nghiên cứu này do trường Đại học Khoa học ứng dụng Bonn-Rhein-Sieg thực hiện từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 8 năm 2022.
Dự án nghiên cứu đã đề cập đến nhận thức về ‘di cư lao động bền vững’ của các bên có liên quan tại (03) ba quốc gia thực hiện nghiên cứu về quan hệ đối tác di cư lao động xuyên quốc gia gồm Georgia, Kosovo và Việt Nam.
Hội thảo chuyên đề trình bày những kết qủa ban đầu, những khuyến nghị và kế hoạch tới của nhóm nghiên cứu. Tại phiên hội thảo song song của 3 quốc gia thảo luận về chủ đề di cư lao động . Trong hội thảo quốc gia Việt Nam, gồm có các đại diện đến từ Bộ Lao động và Thương binh Xã hội (LĐTB&XH), Đại sứ quán Đức, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục quản lý Lao động ngoài nước, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, và Đại học kinh tế Quốc dân.
Trong bài phát biểu của mình, Tiến sỹ Bùi Sỹ Tuấn, Phó chánh văn phòng, Bộ LĐTB&XH chia sẻ di cư lao động là một chủ đề rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hôi. Chính phủ Việt Nam và chính phủ Đức đã có truyền thống hợp tác trong lĩnh vực này từ những năm 1980. Ông cho biết ‘chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho di cư lao động xuyên quốc gia của Chính phủ Đức như việc phê duyệt Luật di cư cho lao động có tay nghề vào tháng 3 năm 2020. Việt Nam hy vong sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai chính phủ trong lao động di cư hoặc đào tạo nghề kết hợp với di cư lao động”.
Với vai trò là đối tác nghiên cứu tại Việt Nam, những kết quả ban đầu từ nghiên cứu và phỏng vấn một số chuyên gia trong nước của Đại học Kinh tế Quốc dân đã chứng minh được tầm quan trọng của đào tạo nghề và di cư lao động trong cho chiến lược phát triển của Việt Nam. Trường sẽ tiếp tục phỏng vấn các bên liên quan tại Việt Nam trong tháng 4 năm 2022.