Nâng cao năng lực nhằm phát triển đội ngũ nhân sự GDNN có năng lực được chính phủ Việt Nam xác định là một giải pháp đột phá ưu tiên đối với việc nâng cao chất lượng GDNN. Trong thời gian 2.5 năm từ 2015 đến 2017, nhóm 10 cán bộ quản lí và giáo viên được chọn lọc từ các cơ sở GDNN đối tác của Chương trình Hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã được tham gia loạt các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao do bộ phận Phát triển năng lực con người (HCD) – thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức thực hiện. Các hoạt động đào tạo tập trung vào các chủ đề liên quan trực tiếp đến chuyên môn của các học viên, đó là “Đào tạo giáo viên GDNN” và “Quản lý nhà trường trong cơ sở GDNN”, gồm các khóa học, hội thảo chuyên đề, trao đổi hướng dẫn qua mạng (on-line coaching) và các bài tập thực hành theo tình huống công việc thực tế.
Theo mục tiêu của chương trình, sau khi hoàn thành các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, các giảng viên hạt nhân sẽ thực hiện đề án chuyển giao theo cá nhân hoặc theo nhóm về các nội dung đã được nghiên cứu, thực hành. Các đề án chuyển giao này đều được xây dựng và hoàn thiện với hỗ trợ chuyên môn của các giảng viên Đức, những chuyên gia thực hiện các hoạt động đào tạo trước đó.
Đã có 29 giáo viên và cán bộ quản lí đến tham gia các khóa tập huấn chuyển giao với hỗ trợ tài chính và kĩ thuật của Chương trình Hợp tác song phương Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” và những đóng góp quý báu của các cơ sở GDNN đối tác.
Hội thảo nhân rộng về “Đào tạo Giáo viên GDNN” được thực hiện tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (tỉnh Đồng Nai) trong hai ngày 23-24/11/2017 đã tập trung vào chủ đề “các phương pháp thực hành trong đào tạo giáo viên GDNN”. Hội thảo đã giới thiệu tới các học viên các phương pháp giảng dạy định hướng thực hành như Guiding Text và Phương pháp Đề tài. Các học viên đã trao đổi về lí thuyết đặc biệt về việc áp dụng như thế nào trong các tình huống công việc hàng ngày.
Song song với hội thảo trên là hội thảo nhân rộng về “Quản lí nhà trường đối với cơ sở GDNN”, được tổ chức với sự hỗ trợ, đóng góp của Trường Cao đẳng Kĩ nghệ 2 (Tp. Hồ Chí Minh). Hội thảo này đã cung cấp cho các học viên những kiến thức mới về các công cụ quản lí nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả một cơ sở GDNN, như công cụ phản hồi, xây dựng mô tả công việc, thiết kế các vị trí công việc trong một trường, một đơn vị, và đặt ra mục tiêu cá nhân như một công cụ của phát triển nghề nghiệp của nhân viên.
Điều đặc biệt là trong cả hai hội thảo trên, phương pháp “hành động” được áp dụng ngay trong các bài tập thực hành, làm việc nhóm. Điều này không chỉ mang đến cho các học viên một phương pháp mới trong đào tạo mà qua đó các giáo viên hạt nhân một lần nữa củng cố được kĩ năng này của mình. “Mặc dù tôi đã thực hành nhiều lần phương pháp này trong quá trình được đào tạo, nhưng cơ hội đứng trước các đồng nghiệp đã có kinh nghiệm chuyên môn, thực sự giúp tôi trau dồi củng cố kĩ năng và sự tự tin của mình bởi vì tổ chức giờ dạy cho các học viên là những người đã đi làm và có kinh nghiệm khác với việc tổ chức giờ giảng cho sinh viên”, bà Trần Thị Sim, trường khoa Ngoại ngữ, Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội – một giáo viên hạt nhân nhóm “Quản lý nhà trường” đã chia sẻ.
Theo ý kiến phản hồi của học viên thông qua phiếu đánh giá vào cuối khoa học, cả hai hội thảo nhân rộng được đánh giá rất hữu ích và thành công. Đặc biệt, học viên đánh giá cao các công cụ “phản hồi” trong chủ đề “Quản lý nhà trường” là những công cụ rất hữu ích và có khả năng áp dụng cao vào thực tế, tương tự như vậy, về chủ đề “Đào tạo giáo viên GDNN” thì phương pháp “Đề tài” được xem rất có giá trị đối với những giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Tính ứng dụng cao của các công cụ, phương pháp trên một lần nữa được khẳng định tại Hội thảo tổng kết tại Hà Nội vào ngày 29/11/2017. Tại đó, tất cả các giáo viên hạt nhân đều khẳng định sự tự tin rằng họ có thể và sẽ tiếp tục chia sẻ nhân rộng những kiến thức và kĩ năng đã học được cho các đồng nghiệp giảng dạy, quản lí trong hệ thống GDNN ở Việt Nam. Các giáo viên hạt nhân cũng khẳng định sự sẵn sàng đóng vai trò “hạt nhân đổi mới” ngay trong từng cơ sở, nơi họ làm việc, qua đó góp phần tang cường năng lực đội ngũ nhân sự GDNN của Viêt Nam./.