Trung tâm xuất sắc về Năng lượng tái tạo (Ảnh: Nguyễn Phương Hoa / GIZ)
Dưới cái nắng thiêu đốt ở miền Trung Việt Nam là một tòa nhà ba tầng với máy móc phức tạp và các mô hình hiện đại của hệ thống năng lượng tái tạo. Tòa nhà này nằm ở Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận (NTVC), một đơn vị tiên phong trong đào tạo năng lượng, thường xuyên tổ chức không chỉ sinh viên của trường mà cả giáo viên từ các trường cao đẳng trong mạng lưới đến để tìm hiểu thêm về mô hình đào tạo nghề năng lượng tái tạo tuyệt vời này. Trong tháng 5, trường chào đón 13 giáo viên từ bảy trường cao đẳng để khám phá thêm chủ đề “Hệ thống điện mặt trời hệ bám tải”. Khóa tập huấn kéo dài 5 ngày từ 27-31/05/2024 được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình hợp tác của Đức “Đổi mới Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại Việt Nam”.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời với khí hậu nhiệt đới và nhiều giờ có nắng. Theo Ember (một tổ chức tư vấn năng lượng độc lập), năm 2022, Việt Nam chiếm gần 70% sản lượng năng lượng mặt trời và gió của Đông Nam Á[1] và kỳ vọng năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng hơn nữa khi Việt Nam đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của ngành năng lượng. Đến năm 2030, nhu cầu về lao động có tay nghề cao trong ngành năng lượng dự kiến sẽ tăng 31%.[2]
Mặc dù nhu cầu đào tạo ngày càng tăng, NTVC là một trong số ít các trung tâm đào tạo tại Việt Nam cung cấp đào tạo chính quy về năng lượng mặt trời. Chủ đề về hệ thống điện mặt trời áp mái, đặc biệt là hệ thống năng lượng mặt trời hệ bám tải còn khá mới, theo chia sẻ của giảng viên khóa học, thầy Nguyễn Thái Thuận, giáo viên Khoa Điện – Điện tử, NTVC, “đặc biệt với các trường cao đẳng nghề trong mạng lưới GDNN vì giáo viên tại các trường này có hiểu biết khá hạn chế về chủ đề này”. Do đó, điều quan trọng là giáo viên dạy nghề phải được trang bị tốt các kỹ năng và kiến thức phù hợp để đảm bảo các chương trình đào tạo cập nhật và theo nhu cầu hướng tới việc tạo ra các kỹ thuật viên chất lượng cao. Đây là giải pháp bền vững cho sự phát triển lâu dài của ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Thầy Nguyễn Thái Thuận, giảng viên, giải thích về cách vận hành thiết bị đo lượng (Ảnh: Nguyễn Phương Hoa / GIZ)
Khóa đào nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực ngày càng tăng trong chủ đề năng lượng mặt trời của bảy trường cao đẳng bao gồm Trường Cao đẳng Công nghệ Nha Trang, Trường Cao đẳng nghề Long An, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thuỷ lợi, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 và Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Trong khóa học, ngoài việc học lý thuyết về hệ thống năng lượng mặt trời hòa lưới, học viên đã có cơ hội trải nghiệm thực tế với mô phỏng hệ thống năng lượng mặt trời và các thiết bị thực tế: từ thiết bị đo lường, biến tần hòa lưới, tấm pin mặt trời đến hệ thống giám sát và chống sét lan truyền. Một chuyến đi thực địa cũng được đưa vào khóa đào tạo, qua đó những người tham gia đã có chuyến thăm một ngày đến một cơ sở quản lý nước thải tại địa phương để tìm hiểu thêm về hệ thống năng lượng mặt trời hệ bám tải với công suất 230kW.
Học viên tiếp xúc với hệ thống năng lượng mặt trời tại công ty xử lý nước thải (Ảnh: Nguyễn Thái Thuận / NTVC)
Giảng viên và học viên quan sát biến tần hòa lưới của hệ thống năng lượng mặt trời tại công ty xử lý nước thải (Ảnh: Nguyễn Thái Thuận / NTVC)
Khóa đào tạo đã được các giáo viên của các trường cao đẳng nghề đón nhận nồng nhiệt, vì sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp cho trải nghiệm học tập hấp dẫn hơn nhiều với các ví dụ thực tế dễ theo dõi. “Tôi đã từng hướng dẫn sinh viên của mình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời xoay theo hướng nắng tại trường của tôi, nhưng nó chỉ là một mô hình nhỏ trong xưởng thực hành. Khi có cơ hội quan sát hệ thống tại NTVC và doanh nghiệp, tôi rất ấn tượng”, cô Dương Thị Hồng Nga, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, một trong những người tham gia chia sẻ.
“Sau khóa học này, tôi tự tin quay trở lại trường của mình và chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về chủ đề năng lượng mặt trời cho các đồng nghiệp của mình. Với những kiến thức và kỹ năng mới có được, tôi sẽ cùng các đồng nghiệp xây dựng chương trình giảng dạy cho chương trình đào tạo sắp tới về hệ thống năng lượng mặt trời, với sự tham khảo từ tài liệu khóa học được chia sẻ bởi NTVC”, cô Nguyễn Thị Đông, giáo viên Trường LILAMA 2 hào hứng chia sẻ.
Các khóa đào tạo như thế này tăng cường mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề, và cũng thể hiện cam kết của NTVC trong việc trở thành một Trung tâm Xuất sắc về Năng lượng Tái tạo, dưới sự hỗ trợ của Chương trình TVET, góp phần vào quá trình chuyển đổi công bằng của ngành năng lượng Việt Nam.
Chương trình TVET do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) triển khai, được uỷ quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
[1] https://en.baochinhphu.vn/viet-nam-accounts-for-nearly-70-of-southeast-asia-solar-and-wind-power-111231120154902849.htm
[2] NGHIÊN CỨU ĐỒNG LỢI ÍCH, Kỹ năng tương lai và tạo việc làm thông qua năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Đánh giá các đồng lợi ích của việc khử cacbon trong ngành điện (Báo cáo điều hành), Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) của Đức