Tiếp nối khóa đào tạo lý thuyết thành công trước đó, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (TVET) – GIZ đã tiếp tục phối hợp triển khai tổ chức khóa đào tạo thực hành “Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” dành cho 19 giáo viên đến từ 8 trường Cao đẳng đối tác tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi – VCMI từ ngày 24 đến ngày 28/07/2023 vừa qua. Đây là cơ hội tốt để các học viên áp dụng vào thực tiễn các kỹ năng và kiến thức đã học về ứng dụng năng lượng điện mặt trời, hệ thống nối lưới điện mặt trời, cách vận hành và bảo trì.
Trong 5 ngày diễn ra tập huấn, học viên đã được các giảng viên giàu kinh nghiệm hướng dẫn toàn bộ quy trình xây dựng dự án hệ thống điện mặt trời trong thực tế. Các học viên tham gia được yêu cầu thực hiện nghiên cứu khảo sát, thiết kế và dự toán chi phí cho các hệ thống điện mặt trời áp mái điển hình. Với cơ sở vật chất sẵn có và các thiết bị chuyên dụng trong lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đã được trang bị tại chỗ, tất cả học viên đã thực hành tháo – lắp đặt khung giá đỡ, các tấm pin mặt trời, bộ biến tần, đầu nối, hệ thống tiếp địa, chống sét và các thiết bị điện khác. Học viên tham gia đã thực hành đo đạc cẩn thận các thông số trong điều kiện hoạt động bình thường và khi điều kiện thay đổi. Những quy định hiện hành, các lỗi thường gặp và cách khắc phục trong suốt tất cả các buổi tập huấn cũng được chia sẻ xuyên suốt khóa đào tạo. Bên cạnh đó, toàn bộ mọi người đều được yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động.
Đi cùng với hoạt động đào tạo tại chỗ, khóa tập huấn lần này đã tổ chức tham quan thực tế hệ thống điện mặt trời áp mái tại Khu công nghiệp AGTEX Long Bình ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Hoạt động tham quan này giúp rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, tạo cơ hội cho học viên nghiên cứu khảo sát và cập nhật những kiến thức, đồng thời mang đến cái nhìn tổng quan về lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái.
Nhận xét về đợt tập huấn lần này, Ông Nguyễn Đăng Quế – Phó trưởng Khoa Điện – Điện tử Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh chia sẻ: “Khóa tập huấn thực hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời lần này đáp ứng được mong đợi của các giáo viên tham gia. Nội dung chương trình tập huấn và các yêu cầu đưa ra rất cơ bản, phù hợp với người học. Những kiến thức và kỹ năng trong khóa tập huấn này sẽ được các giáo viên tham khảo để xây dựng Chương trình đào tạo cho nghề Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà dự kiến được triển khai dạy tại trường trong thời gian sắp đến”.
Kết thúc đợt tập huấn, tất cả các giáo viên tham gia đều có phản hồi tích cực và hy vọng sẽ được tham gia tập huấn ở các khóa đào tạo nâng cao khác về lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Hoạt động này là kết quả liên kết hợp tác giữa dự án CASE/ Chương trình Hỗ trợ năng lượng (ESP) với Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (TVET) bắt đầu từ năm 2020 nhằm phát triển năng lực cho các giảng viên của các cơ sở GDNN trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”.
Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm mục đích gắn kết công tác đào tạo nghề tốt hơn với thế giới việc làm đang không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh và được số hóa hơn.