TVET Vietnam

Chuyến công tác nghiên cứu thực địa về khảo sát doanh nghiệp và Hội thảo phát triển đề cương khảo sát doanh nghiệp

Hợp tác Việt – Đức “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”

Trong khuôn khổ hợp tác Việt – Đức “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, các hoạt động trọng tâm về giám sát & đánh giá cũng như cải thiện liên tục chất lượng đào tạo là nghiên cứu lần vết và khảo sát doanh nghiệp. Những phản hồi của các học viên sau khi tốt nghiệp ra trường về nơi làm việc của họ và sự phù hợp của khóa đào tạo trước đây (nghiên cứu lần vết) được kết hợp cùng với phản hồi của người sử dụng lao động về năng lực của các cựu học viên có đáp ứng được những yêu cầu ở vị trí nơi làm việc (khảo sát doanh nghiệp). Năng lực ở đây đề cập đến kiến thức nghề, kỹ năng và thái độ. Từ năm 2009, các cuộc nghiên cứu lần vết được thực hiện thành công tại các cơ sở đào tạo nghề đối tác trong khuôn khổ hợp tác Việt Đức và được mở rộng ra ngoài phạm vi này. Bên cạnh việc triển khai thường xuyên các cuộc nghiên cứu lần vết thì khảo sát doanh nghiệp cũng đang trong gian đoạn chuẩn bị triển khai. Những thông tin thu thập được từ các cuộc khảo sát doanh nghiệp là sự phản hồi, đánh giá từ bên ngoài cho lãnh đạo các trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Thêm vào đó, cuộc khảo sát sẽ phát hiện ra nhiều hơn nữa sự hợp tác hiện có giữa các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp cũng như những tiềm năng hợp tác đặc biệt trong tương lai.

Chuyến công tác nghiên cứu thực địa về khảo sát doanh nghiệp đã diễn ra từ ngày 12 tháng 03 đến ngày 15 tháng 03 năm 2012. Nhằm phát triển một đề cương khảo sát doanh nghiệp mang tính bền vững, đồng nhất và có thể triển khai được giành cho các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam, chuyến công tác nhằm mục đích phân tích thông tin về các cuộc khảo sát doanh nghiệp hiện có được triển khai bởi nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau tại Việt Nam. Trong thời gian chuyến công tác diễn ra, nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã thảo luận về các bản đề cương đã được triển khai và các bài học kinh nghiệm với Cục việc làm/ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Viện Khoa học Lao động và Xã hội/ Bộ LĐTBXH, Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề/ Tổng cục Dạy nghề (TCDN), Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Đồng Nai cũng như ban lãnh đạo Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bắc Ninh và ban lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ LILAMA 2. Sau chuyến nghiên cứu thực địa, trong khuôn khổ cuộc hội thảo nửa ngày (ngày 16/03/2012), những người tham dự đến từ Bộ LĐTBXH, TCDN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo nghề và GIZ đã chia sẻ ý kiến hướng tới các cuộc khảo sát doanh nghiệp trong khuôn khổ Hợp tác Việt Đức “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”.

Dựa vào những kinh nghiệm của Đức và của Việt Nam, các đại biểu đã đóng góp ý kiến phát triển “một đề cương với hai trụ cột” chỉ ra nhu cầu thông tin ở cấp chính sách và cấp trường: Khảo sát doanh nghiệp cần bao gồm hai hợp phần. Một hợp phần cần khảo sát mang tính đại diện rộng khắp cả nước phù hợp với bảng khảo sát hiện đang được Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động/ Cục việc làm/ Bộ LĐTBXH triển khai và tập trung vào nhu cầu thông tin ở cấp chính sách. Hợp phần thứ hai cần định hướng về nhu cầu thông tin của các cơ sở đào tạo nghề: Những thông tin này cần cụ thể chi tiết để có thể phân tích được sự đáp ứng hay thiếu hụt về năng lực của các cựu học viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ so với yêu cầu của vị trí nơi làm việc. Chức năng chính của cuộc khảo sát ở hợp phần thứ hai là nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở đào tạo nghề. Đó cũng là lý do tại sao khảo sát doanh nghiệp được coi là một công cụ quản lý chất lượng của cơ sở đào tạo nghề.

Chuyến công tác nghiên cứu thực địa và cuộc hội thảo được xem là một bước quan trọng hướng tới các cuộc khảo sát hiệu quả và mang tính đồng nhất trong khuôn khổ Hợp tác Việt Đức “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”.

TIN TỨC KHÁC