TVET Vietnam

Chương trình đào tạo của LILAMA 2 về Sản xuất Thông minh được tham vấn cùng ngành công nghiệp số tại Việt Nam!

Vào thứ Năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LIALAMA 2) đã tham vấn đại diện từ các doanh nghiệp sản xuất số về các chương trình đào tạo được xây dựng mới trong lĩnh vực sản xuất thông minh ứng dụng trên và bằng máy công cụ.

Đại diện của 10 doanh nghiệp sản xuất trong nước và quốc tế, Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai (Sở LĐTBXH) cùng các đối tác hợp tác Siemens Việt Nam, LILAMA 2 và Tổ chức Hớp tác Quốc tế Đức (GIZ), đại diện bởi Chương trình Đổi mới và Đào tạo nghề tại Việt Nam, đã trao đổi về nhu cầu thị trường  lao động hiện tại và tương lai của ngành công nghiệp số tại Việt Nam.

LILAMA 2 đã được công nhận là cơ sở đào tạo đối tác của SIEMENS với đại diện là Trung tâm Đào tạo Công nghệ số cao cấp (D-TEC) cung cấp thông tin và đăng ký khóa học trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử mới và tiện dụng http://dtec.lilama2.edu.vn/. Hiện tại, Nhà trường cung cấp các mô-đun đào tạo tự chọn “Lập trình DIN/ISO nâng cao và vận hành máy CNC – Tiện và Phay” và “Thiết kế khuôn mẫu nâng cao với các giải pháp CAD/CAM/CAE tích hợp”, mỗi mô-đun có thời lượng 320h cùng với 27 khóa đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao năng lực cho giảng viên GDNN, kỹ thuật viên và kỹ sư công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thông minh, ứng dụng trong ngành gia công kim loại hiện đại.

Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch HAMEE và ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, Trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở LĐTBXH Đồng Nai, nhấn mạnh rằng chương trình đào tạo mới phù hợp với nhu cầu hiện tại và nhu cầu trung hạn của thị trường lao động. Cả hai bên đều khuyến khích LILAMA 2 mở rộng chương trình đào tạo sang các lĩnh vực kỹ thuật điện tử và tự động hóa để góp phần hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của đất nước trên thị trường toàn cầu.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Nhân sự của Schaeffler Việt Nam, nhấn mạnh rằng nhân viên của Schaeffler đã tham gia hơn tám khóa đào tạo, bao gồm lập trình DIN/ISO nâng cao, phay và tiện CNC, dịch vụ bảo trì và vận hành cũng như công nghệ bản sao số cao cấp. Nhu cầu về trình độ kỹ thuật viên, kỹ sư của công ty hoàn toàn được đáp ứng thông qua nội dung đào tạo và ứng dụng thực tế trên máy CNC. Ông đề xuất các giảng viên của LILAMA 2 nên đến thăm nhà máy số của Schaeffler tại Đồng Nai và trao đổi với các kỹ sư trong ngành để phát triển hơn nữa các chủ đề đào tạo nâng cao theo định hướng hoạt động hiện tại của công ty. Ngoài ra, ông Nghĩa nhấn mạnh Schaeffler đã sẵn sàng hợp tác với SIEMENS, LILAMA 2 và GIZ trong khuôn khổ dự án hợp tác phát triển nhằm đẩy mạnh thêm mối quan hệ hợp tác hiện tại cùng với các chủ đề liên quan đến hiệu quả năng lượng và khí hậu được áp dụng tại các nhà máy thông minh. Dự án hợp tác phát triển được nâng cấp này sẽ góp phần vào quá trình chuyển dịch mang yếu tố về số hóa, tính toàn diện, bao trùm và xanh hóa của ngành sản xuất tại Việt Nam.

Hoạt động này được tổ chức trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển với Khối Doanh nghiệp Tư nhân (DPP) “Đào tạo nghề cho Sản xuất Thông minh ứng dụng trên Máy công cụ”. DPP được hỗ trợ bởi chương trình develoPPP.de của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và được phối hợp thực hiện bởi các đối tác Công ty TNHH Siemens Việt Nam, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), đại diện bởi Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”.