Nối tiếp khóa đào tạo về liên văn hóa trước khi di cư Đức, khóa tập huấn chuyên sâu dành cho học viên PAM từ ngày 20-21/05/2023.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), chương trình “Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề và Di cư lao động định hướng phát triển” (PAM Việt Nam) tổ chức khóa tập huấn liên văn hóa thứ 2- khóa chuyên sâu cho 21 học viên PAM được hỗ trợ di cư về Liên văn hóa từ ngày 20-21/5/2023 tại thành phố Vũng Tàu.
Khóa tập huấn truyền tải các nội dung: định hướng môi trường làm việc tại Đức và những quan điểm văn hóa, khả năng giao tiếp trong bối cảnh hòa nhập.
Nội dung của ngày ngày tập huấn đầu tiên tập trung vào chủ đề môi trường làm việc tại Đức thông qua cách chào hỏi trong bối cảnh toàn cầu hóa, luật lao động, lương và thuế, ban đại diện và bảo vệ cho người lao động. Nhờ vậy, học viên tiếp thu kiến thức chuyên sâu về luật lao động tại quốc gia châu Âu này.
Nội dung của ngày tập huấn thứ 2 tập trung giải thích về quan điểm văn hóa, học viên được khuyến khích bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của bản thân qua những tình huống khác nhau trong cuộc sống và con người từ đó đưa ra những nhận xét và đánh giá về hành vi của họ. Hoạt động này đã giúp cho các học viên hiểu hơn về nguyên nhân đánh giá người khác dựa trên quan sát ban đầu hơn là thấu hiểu văn hóa của con người, từ đó, học viên hiểu sâu hơn về tầm quan trọng trong việc thích nghi, cố gắng hiểu những hiện tượng, sự việc mang tính xã hội- chính trị khi có sự xung đột về hệ giá trị trong liên văn hóa.
Ở mỗi chủ đề, các hoạt động thảo luận nhóm lồng ghép với các hoạt động vận động giúp khơi gợi sự tương tác, tăng sự hào hứng học tập chuyên sâu về văn hóa nhờ việc thiết lập thói quen “học thông qua thực hành” từ học viên. Chia sẻ sau buổi tập huấn, bạn Hồ Nhựt Khánh- học viên PAM bày tỏ sự thích thú trong các hoạt động tương tác. Thông qua từng hoạt động, Khánh “phát triển hơn khả năng giải quyết vấn đề và có thể áp dụng trong từng tình huống.” Bên cạnh đó, Khánh biết thêm về quan điểm con người và cuộc sống, hiểu hơn về chính mình và người khác.” Mong muốn nhận được thêm những thông tin chuyên sâu về môi trường làm việc tại Đức, học viên PAM Vũ Hoài Thương hi vọng sẽ được “đào tạo hướng dẫn thêm về văn hóa công sở Đức”, cách giao tiếp với đồng nghiệp phù hợp về mặt văn hóa để nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới khi di cư.
Đây là khóa tập huấn thứ 2 dành cho học viên PAM trong chuỗi hoạt động liên văn hóa, nhằm cung cấp thông tin chi tiết về văn hóa Đức trước khi di cư.