TVET Vietnam

Cải thiện chất lượng đào tạo thông qua phân tích tình hình việc làm và phản hồi của học viên nghề sau tốt nghiệp

“Khoá đào tạo đã cung cấp cho tôi các kỹ năng toàn diện về phân tích dữ liệu và viết báo cáo để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu lần vết, giúp các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cải thiện chất lượng đào tạo để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của học viên và khối doanh nghiệp”, ông Lê Quốc Thành, Trưởng phòng Đào tạo và Kiểm định chất lượng GDNN, trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết. Ông Thành là một trong 51 giáo viên từ các cơ sở GDNN trên cả nước tham dự khoá đào tạo nâng cao “Phân tích dữ liệu chuyên sâu và viết báo cáo về kết quả nghiên cứu lần vết”. Khoá đào tạo được tổ chức tạo trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng từ ngày 18 đến ngày 20/7/2018.

Nghiên cứu lần vết là một công cụ đảm bảo chất lượng quan trọng, giúp theo dõi và đánh giá kết quả của các chương trình đào tạo nghề. Nó cung cấp thông tin hữu ích về khả năng tìm kiếm việc làm và kết quả công việc của các học viên nghề sau khi tốt nghiệp, chẳng hạn như tình trạng việc làm, cũng như phản hồi của học viên và chất lượng và mức độ liên quan giữa chương trình đào tạo và công việc hiện tại.

Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2018, sau khi tham gia khóa đào tạo cơ bản về phương pháp và cách thực hiện nghiên cứu lần vết, 20 cơ sở GDNN đã thu thập đầy đủ dữ liệu về việc làm của hơn 4500 học viên. Tham gia khóa đào tạo nâng cao này, giáo viên từ các cơ sở GDNN này đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nghiên cứu lần vết và thảo luận những biện pháp để thúc đẩy quá trình này, như huy động nguồn nhân lực để tiến hành khảo sát, tận dụng lợi thế mạng xã hội để tiếp cận với nhiều học viên nghề mới tốt nghiệp.

Quan trọng nhất, bằng cách thực hành với các dữ liệu đã thu thập, các giáo viên dần thành thạo với kỹ thuật phân tích dữ liệu chuyên sâu, từ việc hợp nhất và làm sạch dữ liệu đến phân tích các biến từ bảng câu hỏi khảo sát để phát triển một báo cáo về kết quả nghiên cứu lần vết. Sau khoá học, các giáo viên sẽ hoàn thiện báo cáo để gửi đến lãnh đạo cơ sở mình đang công tác, cung cấp những khuyến nghị quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo dựa trên phản hồi của học viên sau tốt nghiệp.

Phát biểu tại buổi bế mạc, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề (VETA), nhấn mạnh cần đảm bảo tính bền vững của công cụ hiệu quả này. Đầu tiên, các giáo viên cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch để nhà trường thông qua và thực hiện triển khai công cụ đánh giá. Thứ hai, các giáo viên đã qua đào tạo cần truyền đạt lại những kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo cho các cán bộ khác trong trường. Thứ ba, các trường có thể sử dụng kế quả của nghiên cứu để hỗ trợ các hoạt động quản lý hàng ngày của trường, như phát triển chương trình giảng dạy, tuyển sinh, đánh giá học viên.

Khóa đào tạo được hỗ trợ bởi sáu cán bộ nhân rộng từ các cơ sở GDNN đã được đào tạo về nghiên cứu lần vết và điều tra doanh nghiệp trong giai đoạn hợp tác đầu tiên với VETA vào năm 2015. Với việc chuẩn bị bài giảng và lên lớp trong quá trình đào tạo, cũng như hỗ trợ giáo viên các trường hoàn thành các báo cáo nghiên cứu, các các bộ này có thể nâng cao chuyên môn và kỹ năng sư phạm, qua đó hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhân rộng công cụ này ở cấp hệ thống trong tương lai.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp phần “Tư vấn hệ thống đào tạo nghề”, thuộc chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), và do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

 

TIN TỨC KHÁC