Đồng Nai, 31/12/2015
Trong tháng 11 và 12 năm 2015, hai khóa đào tạo nâng cao về Tiện và Phay vạn năng đã được tổ chức trong khuôn khổ Lĩnh vực hoạt động “Hỗ trợ các Trung tâm xuất sắc về Đào tạo nghề” thuộc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực hoạt động tập trung vào thiết lập và hỗ trợ cho các nghề công nghiệp thuộc lĩnh vực kỹ thuật Điện và Cơ khí theo tiêu chuẩn Đức. Cụ thể, các nghề như Cắt gọt kim loại-CNC, Cơ khí xây dựng, Điện tử công nghiệp và Cơ điện tử hiện đang được thiết lập và hỗ trợ tại Trường Cao đẳng nghề LILAMA2.
Đề cương tổng thể của hai khóa đào tạo này và các khóa đào tạo tiếp theo cho giáo viên trường CĐN LILAMA2 nhằm trang bị năng lực chuyên môn cho họ để triển khai hiệu quả các nghề công nghiệp đã đề cập ở trên. Từ đó, đảm bảo chắc chắn việc cung cấp đào tạo nghề đạt chất lượng cao tại Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề – LILAMA2.
Các khóa đào tạo về Tiện và Phay vạn năng được tổ chức tại hai địa điểm khác nhau. Trong đó, phần lý thuyết được triển khai tại trường CĐN LILAMA2 và phần thực hành trên máy vạn năng được thực hiện tại các xưởng thực hành của Trung tâm Việt – Đức, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh.
Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Đức – Ông Fischer, 11 giáo viên cơ khí Trường CĐN LILAMA2 đã gia công/chế tạo các chi tiết tiện và phay bán-phức tạp trên các máy công cụ vạn năng và đã lắp ráp các chi tiết đó thành sản phẩm cuối cùng “Giá đỡ máy khoan” trong thời gian 160 giờ theo tiêu chuẩn công nghiệp Đức. Bên cạnh nội dung thực hành, các khóa đào tạo cũng bao gồm lập kế hoạch vận hành cũng như đánh giá chất lượng sản phẩm và quy trình gia công/chế tạo nhằm đảm bảo chất lượng, có xem xét tới mối liên hệ giữa các bộ phận sản xuất tuyến trên và tuyến dưới.
Bên cạnh mục tiêu chính là thực hành vận hành các máy công cụ vạn năng, việc đánh giá năng lực của học viên theo định hướng tiêu chuẩn đánh giá của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (IHK) cũng được triển khai nhằm xác định năng lực hiện có của các giáo viên trong lĩnh vực Cơ khí. Kết quả đánh giá năng lực cũng như việc quan sát ý thức và thái độ người học trong quá trình đào tạo là cơ sở để lên kế hoạch và triển khai chương trình đào tạo tiếp theo cho các giáo viên dạy nghề LILAMA2.