TVET Vietnam

Các đối tác phát triển lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp đóng góp ý kiến về việc sửa đổi Bộ luật Lao động

Ngày 29/3/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thảo với các đối tác phát triển lĩnh vực GDNN đầu tiên năm 2019. Hội thảo do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (Deutsche Gesellschaft für International Zusammenarbeit, GIZ) GmbH đồng chủ trì với sự đóng góp kĩ thuật tích cực của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhằm cập nhật các thông tin mới nhất trong lĩnh vực GDNN ở Việt Nam nói chung, cũng như trao đổi ý kiến về việc sửa đổi các nội dung liên quan đến GDNN trong Bộ luật Lao động 2012. Tham dự hội thảo là gần 40 chuyên gia trong lĩnh vực GDNN, bao gồm đại diện từ Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Úc (DFAT), Tổ chức Phát triển Luxembourg (LuxDev), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Hiệp hội Lao động Na Uy, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như các Vụ, Đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục GDNN.

“Hội thảo là cơ hội rất tốt để đóng góp ý kiến cho một Bộ luật rất quan trọng đối với tới lĩnh vực GDNN vì Bộ luật có nhiều nội dung tập trung vào việc dạy nghề và phát triển kỹ năng nghề trong các doanh nghiệp”, ông Martin Hoppe, Tham tán Thứ nhất, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ trong phần phát biểu khai mạc. Bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc văn phòng ILO Hà Nội một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc các tổ chức cùng nhau đóng góp kinh nghiệm và nguồn lực trong lĩnh vực GDNN. Bà cũng đánh giá cao hợp tác hiệu quả với Tổng cục GDNN và GIZ trong việc tổ chức Hội thảo này.

Các phần trình bày và thảo luận tại hội thảo xoay quanh các mô hình và cơ chế hiệu quả mà Đức, Đan Mạch và các quốc gia khác đang áp dụng nhằm huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong Đào tạo nghề. Các bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo cho thấy, nhiều chương trình và dự án được thực hiện với Tổng cục GDNN tại Việt Nam có mục tiêu tương đồng. Đó là phát triển hệ thống GDNN nhất quán, hiệu quả và gắn với nhu cầu, cũng như thúc đẩy sự tham gia của khối doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN.

Theo TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN, không có sẵn một khuôn mẫu nào có thể áp dụng hoàn toàn cho Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào. TS Dũng đánh giá cao tất cả ý kiến đóng góp và kinh nghiệm quý báu mà các đối tác chia sẻ, đặc biệt là đề xuất cần định nghĩa rõ các thuật ngữ, khái niệm quan trọng như học nghề, học nghề tại trường, thực tập, tập nghề…, thể chế hóa mô hình đào tạo phối hợp, yêu cầu đối với cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp có trình độ cũng như việc thiết lập một thể chế như hội đồng kỹ năng ngành hoặc hội đồng tư vấn nghề nhằm đảm bảo sự tham gia của khối kinh tế vào GDNN. Trong thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục tham vấn và trao đổi thêm về các thuật ngữ và khái niệm này để đề xuất cho Ban sửa đổi Luật do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì.

Kết thúc cuộc họp, TS Dũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển để tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả của hệ thống GDNN của Việt Nam.

TIN TỨC KHÁC