TVET Vietnam

Bosch Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 và GIZ cùng ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp 4.0 tại Việt Nam

“Nhu cầu về lực lượng lao động có tay nghề cao ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Chương trình hợp tác này là một bước tiến quan trọng, hướng tới nâng cao kỹ năng và tính cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam”, ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bosch Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 và Chương trình hợp tác Việt-Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”, GIZ. Lễ ký kết diễn ra ngày 22 tháng 8 năm 2018 tại trường Cao đẳng LILAMA 2, tỉnh Đồng Nai, đánh dấu bước khởi đầu cho quan hệ hợp tác phát triển về “Tích hợp các yêu cầu của Công nghiệp 4.0 trong đào tạo nghề”, do chương trình develoPPP, Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) hỗ trợ.

Các đối tác sẽ  xây dựng những mô-đun phản ánh yêu cầu của Công nghiệp 4.0 và tích hợp chúng vào các chương trình đào tạo nghề liên quan. Một phòng thí nghiệm Công nghiệp 4.0 sẽ được Bosch Việt Nam cung cấp để sử dụng cho việc đào tạo giáo viên và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp. “Các học viên tham gia vào những chương trình đào tạo hiện đại sẽ tích lũy nhiều lý thuyết và kỹ năng thực tiễn, phản ánh phát triển công nghệ mới, từ đó có thêm nhiều cơ hội việc làm sau này”, ông Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng trường Cao đẳng LILAMA 2 nhấn mạnh.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, ngày 18 và 19 tháng 9 tại thành phố Hồ Chí Minh, dự án cũng sẽ tổ chức một hội nghị về các yêu cầu của Công nghiệp 4.0 đối với đào tạo nghề. Tại đây, đại diện từ các cơ quan chính phủ, khối doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cơ sở GDNN và các tổ chức quốc tế sẽ thảo luận về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đối với những yêu cầu về kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam.  Các kết quả của hội nghị và bảng phân tích nhu cầu sẽ là cơ sở để xây dựng và thí điểm những mô-đun đào tạo về Công nghiệp 4.0. TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình hợp tác đối với hệ thống GDNN tại Việt Nam: “Dự án thí điểm này rất quan trọng đối với chúng tôi, vì các mô-đun có thể được triển khai ở các cơ sở GDNN trên toàn quốc. Chúng tôi cũng sẽ xem xét các khuyến nghị để tích hợp các khía cạnh về Công nghiệp 4.0 vào khung pháp lý về giáo dục nghề nghiệp”.

TIN TỨC KHÁC