Ngày 12 tháng 11 năm 2021 đánh dấu cột mốc vô cùng quan trọng cho mười hai giảng viên của Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) tại buổi lễ chính thức trao chứng chỉ, khẳng định trình độ tay nghề của các Giảng viên Điện tử Công nghiệp tương đương với trình độ của các Kỹ thuật viên lành nghề tại Đức.
Buổi lễ được tổ chức trực tiếp tại Trường LILAMA 2 với sự tham dự của Ban lãnh đạo và các Giảng viên của Trường, đồng thời cũng phát sóng trực tiếp với sự tham gia trực tuyến từ các đại diện HWK Erfurt (Phòng Thủ công nghiệp Erfurt – Đức), Chương trình TVET – GIZ và Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tỉnh Đồng Nai (LĐTBXH).
Ông Thomas Malcherek – Giám đốc Điều hành HWK Erfurt đã nhấn mạnh LILAMA 2 là một “minh chứng điển hình” khi khẳng định “mười hai giảng viên hôm nay, những người đã trải qua một chuỗi khóa đào tạo kết hợp quy trình kiểm tra đánh giá trực tuyến, được giám sát một cách minh bạch bởi giám khảo HWK Erfurt, cùng sự tham gia đánh giá trực tiếp bởi các giảng viên xuất sắc được công nhận trước đó, và bởi chuyên gia tích hợp tại LILAMA 2, chắc chắn có năng lực truyền đạt các năng lực quý báu không chỉ trong đào tạo ban đầu, đào tạo nhân rộng cho các cơ sở GDNN trong hệ thống, mà còn trong đào tạo theo nhu cầu cho khối doanh nghiệp công nghệ cao”.
“Kết quả đạt được từ 54% đến 80% là kết quả của cả quá trình đánh giá nghiêm ngặt theo định hướng Tiêu chuẩn Đức về trình độ thành thạo nghề Điện tử Công nghiệp của các giảng viên LILAMA 2. Kiến thức và kỹ năng chuyên sâu của các giảng viên thật sự đáng tự hào và được chứng kiến xuyên suốt các giai đoạn nỗ lực và phát triển của các giảng viên. LILAMA 2 xứng đáng trở thành một trong những cơ sở GDNN chất lượng cao hàng đầu, có thể trở thành tiên phong trong việc đào tạo các giảng viên nhân rộng cho các nghề được hỗ trợ tại các Cơ sở GDNN khác”, Tiến sĩ Juergen Hartwig – Giám đốc Chương trình TVET – GIZ bày tỏ.
Buổi lễ này được tổ chức trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), đồng thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).