TVET Vietnam

Hội thảo tham vấn chương trình mô-đun xe ô tô điện được tổ chức tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt-Đức Hà Tĩnh

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ xe điện trong những năm gần đây không chỉ góp phần định hình lại ngành công nghiệp ô tô mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.

Trong khuôn khổ Dự án hợp tác Việt – Đức, Chương trình Đổi mới GDNN Việt Nam (TVET), nhóm giáo viên nòng cốt về công nghệ ô tô của trường Cao đẳng Việt-Đức Hà Tĩnh và trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang đã được các chuyên gia về ô tô điện hỗ trợ xây dựng chương trình và các tài liệu giảng dạy cho mô đun xe ô tô điện dựa trên vị trí việc làm tại doanh nghiệp và các đơn vị năng lực cần cho các vị trí đó. Nhằm nhận được các ý kiến đóng góp từ các giảng viên/ cán bộ đào tạo nghề công nghệ ô tô về mức độ phù hợp và tính khả thi của chương trình đào tạo và các giáo trình cho mô đun xe ô tô , “Hội thảo Tham vấn về Chương trình và Giáo trình Mô-đun ô tô điện” đã được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 11 năm 2024 tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh, với sự tham gia của 22 giáo viên đến từ 10 trường cao đẳng đang đào tạo nghề công nghệ ô tô trình độ cao đẳng và trung cấp và hai chuyên gia về ô tô điện đến từ khối doanh nghiệp.

Các đại biểu thảo luận về nội dung Chương trình mô-đun xe ô tô điện

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và tích cực chia sẻ kinh nghiệm về những phương pháp tiếp cận xây dựng mô-đun đào tạo dựa trên các vị trí cụ thể tại doanh nghiệp dựa trên cả góc nhìn người sử dụng lao động và cơ sở đào tạo. Các vấn đề như đối tượng học viên, mục tiêu về kỹ năng và kiến thức, nội dung các bài học và tính logic, hàm lượng công nghệ và tiêu chuẩn công nghiệp đã được thảo luận rất cụ thể. Các đại biểu cũng đã thảo luận về việc lồng ghép các yếu tố xanh, bao trùm và số vào mô-đun, thiết kế nội dung và định dạng cấu trúc phù hợp với các quy định về chương trình và giáo trình đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đánh giá tính khả thi của việc triển khai đào tạo mô-đun tại các trường, đồng thời nhận diện các thách thức và đề xuất các giải pháp

Để giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về các vị trí việc làm, yêu cầu năng lực gắn với các vị trí việc làm này và môi trường làm việc tại doanh nghiệp mà mô-đun đào tạo này hướng tới, các đại biểu cũng có chuyết khảo sát xưởng dịch vụ bảo dưỡng ô tô điện thực tế. Các đại biểu được trực tiếp tìm hiểu layout nhà xưởng, quan sát quy trình làm việc thực tế của nhiều vị trí, đánh giá hệ thống cơ sở vật chất và máy móc thiết bị để có cái nhìn sâu hơn về tiêu chuẩn công nghiệp đồng thời thảo luận về cơ hội hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo.

Kết thúc hội thảo, các giảng viên và chuyên gia đã thống nhất nhiều nội dung cần điều chỉnh để hoàn thiện chương trình đào tạo mô-đun ô tô điện phù hợp với yêu cầu công việc thực tế. Đồng thời, hội thảo cũng làm rõ vai trò quan trọng của giảng viên trong việc nâng cao nâng lực bản thân và chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực phù hợp cho thị trường lao động trong lĩnh vực xe điện.

Chương trình “Đổi mới GDNN Việt Nam II” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm mục đích gắn kết công tác đào tạo nghề tốt hơn với thế giới việc làm đang không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh và được số hóa hơn.

Các giảng viên phân tích và đánh giá nội dung chương trình mô-đun trong phiên thảo luận nhóm

Các đại biểu thảo luận với Ban quản lý xưởng dịch vụ bảo dưỡng ô tô điện về cơ hội hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo

Nhân viên xưởng dịch vụ bảo dưỡng ô tô điện đang giới thiệu cho các đại biểu về các dòng xe ô tô điện và công nghệ mới trên xe

Các đại biểu tham gia hoạt động tham quan thực tế xưởng dịch vụ bảo dưỡng ô tô điện tại thành phố Vinh, Nghệ An