Đồng Nai, 21/6/2024 – Chương trình “Cơ chế Đối tác thúc đẩy Giáo dục nghề nghiệp và Di cư lao động Định hướng phát triển” (PAM) đã chính thức tổng kết hoạt động chương trình vào thứ Sáu vừa qua tại trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2. Trong thời gian triển khai hoạt động, PAM đã thực hiện thí điểm thành công chương trình đào tạo và di cư, tập trung vào lĩnh vực Cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Đức tại trường LILAMA 2, với 50 học viên tốt nghiệp trung học phổ thông trên khắp cả nước tham gia.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 hướng tới mục tiêu đến năm 2030 có 40% lao động cả nước thuộc nhóm trình độ cao, có bằng cấp và chứng chỉ. Tuy vậy, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam hiện đang chỉ ở mức 26,4% (tính đến Quý 1/2023). Nhu cầu về nguồn lao động lành nghề là xu hướng tất yếu trong tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, di cư lao động là xu thế tất yếu khách quan và có tác động trực tiếp đến kinh tế – xã hội của một quốc gia. TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, chia sẻ, việc đảm bảo di cư an toàn, bền vững là một mục tiêu của không chỉ Việt Nam, mà cả các quốc gia khác trên thế giới, giúp hạn chế những tác động tiêu cực và tăng cường những tác động tích cực của quá trình này.
Nhận thức được những thách thức trên, chương trình đã triển khai các hoạt động nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế ngày càng tăng về nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao theo nguyên tắc phát triển bền vững. Chương trình chia học viên thành hai nhóm: Nhóm di cư và nhóm ở Việt Nam. Các học viên nằm trong nhóm di cư được cung cấp các kiến thức, thông tin cần thiết cho tương lai làm việc tại Đức. Những hỗ trợ này không chỉ dừng lại ở thủ tục công nhận văn bằng Việt Nam tại Đức, đào tạo nghề và ngoại ngữ, mà còn gồm cả đào tạo liên văn hoá, kỹ năng mềm… Đối với nhóm còn lại, các bạn được hỗ trợ học lên trình độ cao đẳng hoặc tham gia vào thị trường lao động tại Việt Nam. Tất cả học viên đều được đào tạo về tiếng Đức cơ bản, trang bị tốt về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm.
Trong khuôn khổ chương trình PAM, 43 học viên đã đỗ tốt nghiệp, trong đó 14 bạn học tiếp lên hệ cao đẳng, 19 bạn gia nhập thị trường lao động và 11 bạn đã nhận được lời mời làm việc từ một số doanh nghiệp Đức. Trong nhóm di cư, hiện đã có hai học viên di cư sang Đức làm việc từ tháng 4/2024, và dự kiến sẽ có thêm chín bạn di cư trong năm nay.
Bạn Hồ Nhựt Khánh, học viên chương trình PAM, hiện đang làm việc ở vị trí Kỹ thuật viên Cắt gọt kim loại tại công ty Biersack Maschinenbau GmbH, thành phố Beilngries (Đức), chia sẻ về trải nghiệm hiện tại của mình: “Em cảm thấy thật may mắn vì đã tham gia chương trình PAM. Em nhận được rất nhiều hỗ trợ từ khi ở Việt Nam và kể cả khi sang Đức. Môi trường làm việc hiện tại của em rất tốt, đồng nghiệp thân thiện, cởi mở. So với đi học, em thích đi làm hơn, vì tại công ty, em tìm thấy niềm vui và được sống với đam mê của mình!”
Tay nghề của các bạn học viên tham gia chương trình cũng được các doanh nghiệp Đức đánh giá cao. Ông Michael Biersack, đại diện Công ty Biersack Maschinenbau GmbH nhận xét: “Chúng tôi đánh giá tay nghề của các bạn học viên Việt Nam ở mức “khá”. Các bạn đã được trang bị kiến thức chuyên môn tốt trước khi sang làm việc. Chỉ sau hai tuần hướng dẫn, các bạn đã hoàn toàn có đủ khả năng làm việc độc lập.”
TS Phạm Vũ Quốc Bình bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng với hợp tác phát triển Việt- Đức, và nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình PAM. “Đây có thể coi là Dự án thí điểm đầu tiên và sẽ là mô hình tốt để nhân rộng hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực GDNN. Việc Việt Nam tham gia vào PAM góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước, cũng như thúc đẩy di cư hợp pháp với lao động có kĩ năng, qua đó phát triển mô hình hợp tác về GDNN Việt – Đức. Đồng thời, việc này cũng đóng góp vào nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng GDNN đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, góp phần tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.”
Tại cuộc họp tổng kết, GIZ, Tổng cục GDNN và các bên liên quan cũng đã thảo luận về các mục tiêu và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của chương trình PAM.
Chương trình PAM được uỷ quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức, do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện, với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là đầu mối chính.