Từ ngày 17 đến ngày 21/07/2023 vừa qua, đợt tập huấn quy trình cải thiện không ngừng (CIP) kết hợp với đánh giá hiện trạng và tư vấn về sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động, phòng chống cháy nổ cho các xưởng thực hành đã được tổ chức tại Trường Cao đẳng Việt – Đức Hà Tĩnh. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” TVET-GIZ và nhà trường.
Ông Alwin Matthias Angert – Chuyên gia phát triển của Chương Trình đã chia sẻ cho các giáo viên Khoa Công nghệ Ô tô của nhà trường những công cụ cơ bản và thực tiễn hỗ trợ việc quản lý xưởng thực hành theo định hướng mô hình nhà máy và doanh nghiệp thực tế bên ngoài. Chuyên gia đã hướng dẫn cho các giáo viên phương pháp xác định được những cấp độ cần phải thực hiện theo “Ma trận các cấp độ thực hiện 5S” cho từng xưởng thực hành chuyên môn. Từ đó, các giáo viên thấy được các điểm thiếu sót để xây dựng kế hoạch và quy trình thực hiện hoạt động quản lý xưởng phù hợp với tình hình thực tế. Chuyên gia cùng với các giáo viên đã thực hành triển khai các bước đầu tiên của quy trình cải thiện không ngừng (CIP) tại một số trạm làm việc trong xưởng thực hành Khoa Công nghệ Ô tô. Các giáo viên được yêu cầu áp dụng các công cụ và phương pháp đã được truyền đạt để tự đánh giá kết quả, nhân rộng và đồng bộ hóa mô hình này sang các xưởng thực hành khác.
Kết hợp với đợt tập huấn lần này, chuyên gia Matthias đã thực hiện việc đánh giá hiện trạng và tư vấn về đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ tại một số xưởng của các ngành nghề kỹ thuật khác của trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh. Các tư vấn và đề xuất mà chuyên gia đưa ra giúp các giáo viên nâng cao nhận thức và hành vi về an toàn lao động tại nơi làm việc, xây dựng kế hoạch và giám sát công việc tại xưởng thực hành hiệu quả.
Phát biểu tại buổi họp đánh giá kết quả, ông Cao Thành Lê – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ “Các ý kiến và tư vấn của chuyên gia GIZ nêu ra rất cần thiết cho nhà trường trong hoạt động quản lý xưởng thực hành. Chúng tôi cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, nhằm tạo điều kiện tốt để học sinh có thể học tập, rèn luyện để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động bên ngoài”.
Kết thúc đợt tập huấn và khảo sát, tất cả giáo viên tham dự cam kết sẽ thực hiện những nội dung và tư vấn đã thống nhất với chuyên gia.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh được hỗ trợ bởi Chương trình hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” để trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm mục đích gắn kết công tác đào tạo nghề tốt hơn với thế giới việc làm đang không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh và được số hóa hơn.