Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Việt Nam cam kết xây dựng các lộ trình phục hồi và giảm thiểu các-bon để giảm rủi ro khí hậu không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu. Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký “Tuyên bố Toàn cầu về Chuyển đổi từ Than sang Năng lượng sạch” nhằm mục đích loại bỏ dần việc sản xuất điện than vào những năm 2040 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vào ngày 15 tháng 12 năm 2022, Việt Nam và các nước G7 đã nhất trí thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với mục đích hỗ trợ Việt Nam với các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện kế hoạch loại bỏ dần than và giảm phát thải liên quan để hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tăng trưởng Kinh tế và Chuyển đổi Năng lượng Công bằng đòi hỏi lực lượng lao động có tay nghề cao. Trên thực tế, sự phát triển năng động của ngành Năng lượng tái tạo (NLTT) trong những năm qua cho thấy Việt Nam Việt Nam cần có chiến lược hành động một cách tổng thể và dài hạn hơn để phát triển lao động (tay nghề cao) cho ngành. Do đó, vào ngày 28 tháng 6 năm 2023, Chương trình TVET và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã đồng tổ chức thành công hội thảo kỹ thuật về “Cơ chế hội đồng kỹ năng cho ngành Năng lượng tái tạo”. Mục đích của hội thảo là 1) Khái quát về phát triển kỹ năng nghề thông qua mô hình Hội đồng kỹ năng ngành; (2) Trình bày những phát hiện chính của nghiên cứu sơ đồ hóa các bên liên quan; (3) Xác định và thảo luận những thách thức chính trong ngành NLTT; (4) Thảo luận về sự cần thiết của cơ chế Hội đồng kỹ năng ngành NLTT trong bối cảnh ở Việt Nam và (5) Đề xuất các khuyến nghị về cơ chế hợp tác giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khuôn khổ Hội đồng kỹ năng ngành NLTT.
Hội thảo quy tụ khoảng 70 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến đến từ Tổng cục GDNN, các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan địa phương cấp tỉnh, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, các cơ sở GDNN, trường đại học, các tổ chức đối tác phát triển như EU, Đại sứ quán Australia, Đại sứ quán Đan Mạch, Aus4skills, ILO,….
Phát biểu khai mạc, Bà Afsana, Phó Giám đốc Chương trình TVET nhấn mạnh bằng việc thành lập Hội đồng Kỹ năng Ngành, Việt Nam có thể nâng cao chất lượng và sự phù hợp của các chương trình GDNN, gắn kết phát triển kỹ năng với nhu cầu của ngành và hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo phát triển bền vững; Hội đồng kỹ năng ngành sẽ giải quyết các nhu cầu của ngành và đảm bảo lực lượng lao động có năng lực.
Hội thảo bắt đầu với phần chia sẻvề Phát triển kỹ năng thông qua mô hình Hội đồng kỹ năng ngành của TS. Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề và Các phát hiện chính của nghiên cứu sơ đồ hóa các bên liên quan tập trung trong lĩnh vực điện gió và mặt trời của chuyên gia tư vấn Chương trình TVET. Đây chính là đầu vào cho phần thảo luận sôi nổi về nhu cầu kỹ năng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo cùng với các chuyên gia đến từ hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở GDNN và tổ chức quốc tế tâm huyết trong phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cho ngành điện gió và mặt trời.
Nhu cầu về một cơ chế gắn kết các bên nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp trong giải quyết các vấn đề không phù hợp giữa cung và cầu được đưa ra thảo luận. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ các mô hình kết nối thành công trên thế giới. Ông Ken Duncan, CEO SkillsSonic, một chuyên gia đầu ngành về Hội đồng kỹ năng đã nói “Một SSC hiệu quả hoạt động giống như nhạc trưởng của một dàn nhạc với nhiều phần riêng biệt đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau, tất cả đều góp phần tạo nên kết quả tốtđẹpcuối cùng!”. Cuối cùng, đại biểu tham dự hội thảo có cơ hội thảo luận về Hội đồng kỹ năng cho ngành NLTT và Kế hoạch sơ lược.
Hội thảo khép lại thành công với sự cam kết và ủng hộ mạnh mẽ đối với Hội đồng kỹ năng nghề ngành NLTT từ bên liên quan, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.