Từ ngày 12 đến ngày 15/06/2023 vừa qua, khóa đào tạo lý thuyết về “Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” dành cho 23 giáo viên đến từ 10 trường Cao đẳng đối tác đã được tổ chức tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi-VCMI. Khóa tập huấn đã trang bị thêm cho học viên kiến thức cơ bản về ứng dụng năng lượng điện mặt trời và hệ thống nối lưới điện mặt trời quy mô nhỏ; các yêu cầu trong lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống điện mặt trời. Đây là khóa đào tạo đầu tiên của Chương trình đào tạo giảng viên nguồn cho 10 trường Cao đẳng do Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (TVET) phối hợp xây dựng và triển khai.
Trong 4 ngày tập huấn, các giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã chia sẻ cho học viên tham gia các kiến thức cơ bản về lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái bao gồm nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời, công nghệ năng lượng điện mặt trời đầy triển vọng, cách thiết kế và lắp đặt hệ thống điện mặt trời, tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn lao động trong lắp đặt, cách thử nghiệm và vận hành hệ thống. Đây là nền tảng cho các học viên tham gia khóa đào tạo tiếp theo về thực hành lắp đặt và vận hành, hoàn thiện kỹ năng và đào tạo nâng cao.
Bên cạnh đó, các học viên có cơ hội tìm hiểu một số máy móc thiết bị đặc thù trong lĩnh vực lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái như máy đo điện trở nối đất, máy phân tích chất lượng điện năng, thiết bị đo bức xạ mặt trời,… Các giảng viên đưa ra bài tập thực hành tính toán và phân tích để các học viên hiểu rõ hơn và củng cố kiến thức cơ bản đã học, tạo nền tảng kiến thức cho khóa thực hành dự kiến vào cuối tháng 07, 2023.
Ông Sven Ernedal, đại diện Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) cũng chia sẻ thêm: “Xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch trong nước đầy hứa hẹn và là điều không thể bàn cãi. Trong khoảng thời gian ngắn hạn tiếp theo, nó tạo ra một tiềm năng lớn để khai thác nguồn năng lượng mặt trời như một giải pháp đầy triển vọng. Nhu cầu nâng cao kiến thức kỹ thuật và kỹ năng thực hành cho nhóm giảng viên đang giảng dạy và đào tạo trực tiếp công nhân và kỹ thuật viên trong ngành năng lượng mặt trời được xác định là yếu tố then chốt”.
Nhận định về đợt tập huấn, Ông Nguyễn Văn Chương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi chia sẻ: “Đây là khóa học cần thiết, nó diễn ra trong thời điểm mà chúng ta đang đối mặt với việc khan hiếm năng lượng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Các học viên tham gia ở đây được kỳ vọng sẽ áp dụng kiến thức để nhanh chóng triển khai đào tạo lĩnh vực mới này tại các trường nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng của xã hội”.
Đây là hoạt động được tổ chức phối hợp từ năm 2020 giữa dự án CASE/ Chương trình Hỗ trợ năng lượng (ESP) với Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (TVET) nhằm phát triển năng lực cho các giảng viên của các cơ sở GDNN trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”.
Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm mục đích gắn kết công tác đào tạo nghề tốt hơn với thế giới việc làm đang không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh và được số hóa hơn.