Trong khuôn khổ hợp tác giữa Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” TVET-GIZ và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh, ông Alwin Matthias Angert – Chuyên gia phát triển nghề Công nghệ Ô tô và ông Alexander Husenbeth – Chuyên gia phát triển nghề Cơ điện tử, Năng lượng và Công nghệ tòa nhà của Chương trình đã kết hợp tổ chức đợt khảo sát năng lực Khoa Điện – Điện tử và tập huấn sử dụng hiệu quả các máy móc thiết bị cho các giảng viên Khoa Công nghệ Ô tô của nhà trường từ ngày 31.10 – 04.11.2022 vừa qua.
Các chuyên gia phát triển của Chương trình đã kiểm tra các xưởng thực hành nhằm đánh giá hiện trạng và hiệu quả sử dụng các công cụ, thiết bị kỹ thuật, trang bị bảo hộ an toàn lao động do Tổ chức GIZ hỗ trợ. Các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị về cách vận hành nhà xưởng hiệu quả và thực hiện đào tạo theo định hướng tiêu chuẩn Đức.
Tiếp theo đó, ông Alexander đã tiến hành khảo sát sơ bộ năng lực của giáo viên, hiện trạng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo tại các xưởng thực hành bộ môn Điện – Điện tử. Các giảng viên cùng chuyên gia đã tích cực kiểm tra và thảo luận nhằm đưa ra các kết quả khảo sát cũng như phản hồi về việc cải thiện điều kiện nhà xưởng. Đây là bước chuẩn bị cơ bản cần thiết cho việc hợp tác với các trường cao đẳng đối tác khác để mở ngành nghề mới tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh như kế hoạch.
Bên cạnh hoạt động kể trên, chuyên gia Matthias tiếp tục thực hiện các buổi đào tạo chuyên sâu với các giảng viên về thiết bị Công nghệ ô tô như máy FAS 740 BOSCH, máy hiện sóng cầm tay, thiết bị vệ sinh két nước ô tô và thiết bị kiểm tra mạch điện. Chuyên gia GIZ đã giải thích rõ hơn về các chức năng và hướng dẫn giảng viên thực hành với các mô hình và ô tô có sẵn trong nhà xưởng. Các giảng viên luôn được nhắc nhở về thực hiện an toàn lao động cần thiết trong suốt quá trình đào tạo. Đây là đợt tập huấn thứ hai trong chuỗi các đợt tập huấn huấn được tổ chức nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực giảng viên trong công tác giảng dạy nghề Công nghệ Ô tô tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh.
Ngoài ra, đợt khảo sát và tập huấn này còn là dịp để cả Khoa Công nghệ Ô tô và Khoa Điện – Điện tử thảo luận toàn diện về việc hợp tác trong hoạt động đào tạo. Các chuyên gia GIZ đã chỉ ra những chủ đề, khó khăn và thách thức mà cả hai Khoa cần hợp tác và trao đổi thông tin thường xuyên. Bằng cách làm này, sinh viên và giảng viên của cả hai Khoa có thể mở rộng kiến thức chuyên môn của mình.
Phát biểu tại buổi họp đánh giá tổng kết, ông Cao Thành Lê – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ “Đây là hoạt động rất thiết thực và cần thiết đối với Nhà trường. Hoạt động này cho chúng tôi một cái nhìn tổng quan và khách quan hơn, giúp chúng tôi biết mình đang ở đâu và cần cải thiện những gì trong thời gian tới. Đối với năng lực giảng dạy của các giảng viên, chúng tôi hy vọng rằng Tổ chức GIZ sẽ tổ chức nhiều đợt tập huấn hơn nữa để tất cả giáo viên có cơ hội làm việc với chuyên gia ”.
Kết thúc đợt khảo sát và tập huấn, tất cả giảng viên tham dự đều có phản hồi tích cực với nội dung và kết quả đạt được.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh được hỗ trợ bởi Chương trình hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” để trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm mục đích gắn kết công tác đào tạo nghề tốt hơn với thế giới việc làm đang không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh và được số hóa hơn.