Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong cả hai văn bản này, Chính phủ Việt Nam đều nhấn mạnh đến các quan điểm chủ đạo, trong đó nền tảng số được xem là giải pháp đột phá cho chuyển đổi số.
Tháng 12/2021, Chương trình Chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Chương trình hướng đến phát triển các nguồn tài nguyên giáo dục mở cho hệ thống GDNN tại Việt Nam, được gọi là nền tảng tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở (OVETR). Hoạt động này cũng bám sát mục tiêu của Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” trong giai đoạn dự án 2020-2024.
Vào ngày 31/05/2022, Hội thảo mô hình cấp quốc gia về nền tảng tài nguyên GDNN mở (OVETR) đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của nhiều đại biểu. GIZ hỗ trợ giải pháp nền tảng tài nguyên GDNN mở (OVETR) vì chúng tôi nhìn thấy trước những đóng góp tiềm năng của nền tảng này trong việc đưa ra giải pháp tiếp cận đối với giáo dục. Nền tảng này cho phép việc tập trung, lưu trữ, chia sẻ và tái sử dụng một cách toàn diện các nguồn tài nguyên học liệu số trong hệ thống GDNN ở Việt Nam. Ví dụ, Tổng cục GDNN tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp quốc gia vào năm 2021 đã có khoảng 600 bài giảng có sẵn và có thể được tải lên nền tảng OVETR. Tương tự, GIZ hỗ trợ các trường cao đẳng đối tác triển khai các nghề đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức và rất nhiều tài liệu hữu ích có thể được các cơ sở GDNN tại Việt Nam lưu trữ, chia sẻ và khai thác trên nền tảng này. Theo thống kê của Chương trình vào năm 2021, 11 trường cao đẳng đối tác của GIZ đã cung cấp 191 nghề đào tạo, trong đó các nghề đào tạo phổ biến như công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại. Đây có thể là một cơ hội tiềm năng để các trường có thể chia sẻ, tái sử dụng hoặc hợp tác để nâng cao chất lượng nội dung đào tạo của các nghề đó.
Tài nguyên giáo dục mở (OER) vẫn còn là một khái niệm khá mới tại Việt Nam, và do đó vẫn chưa có nhiều tổ chức phát triển nền tảng này ở cấp đơn vị hoặc cấp quốc gia. Vì thế, chúng ta sẽ là những người tiên phong và cần một hành trình học hỏi lâu dài. Do đó, những ý tưởng và ý kiến đóng góp tại hội thảo này đều rất đáng trân trọng và quý giá không những giúp Tổng cục GDNN mở rộng quy mô của nền tảng OVETR lên cấp quốc gia, mà còn tạo điều kiện cho GIZ tiếp tục nâng cấp nền tảng thí điểm cho 11 trường cao đẳng đối tác và doanh nghiệp liên kết.
Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” – GIZ luôn nỗ lực tìm cách tiếp cận đa cấp độ trong việc hỗ trợ các đối tác. Chúng tôi đưa ra các giải pháp chiến lược và chính sách ở cấp vĩ mô, đồng thời chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực GDNN, và phát triển các giải pháp số mang tính ứng dụng ở cấp cơ sở. Về điểm này thì nền tảng OVETR là một ví dụ điển hình.