TVET Vietnam

ĐA DẠNG VÀ HOÀ NHẬP TRONG GIÁO DỤC CHUẨN CHẤT LƯỢNG TOÀN CẦU

Nhà bác học Albert Einstein từng nói rằng: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn.”

Con cá học leo cây là câu chuyện kinh điển trong ngành giáo dục. Nhằm tìm ra những con vật nào tài giỏi để giao trọng trách, người ta tổ chức một cuộc thi leo cây với sự tham gia của Quạ, Khỉ, Cá, Voi, Hải cẩu và Chó. Các con vật lần lượt vượt qua thử thách dễ dàng. Nhưng riêng cá thì không thể, nó không thể nào ra khỏi bể để leo lên cái cây giống như các bạn mình. Cảm giác bất tài, vô dụng bao trùm lên tâm trí Cá khi thấy mình kém cỏi hơn so với người khác. Ý định kết thúc cuộc đời nảy sinh trong đầu Cá như một cách để giải thoát cho cuộc đời bất tài của mình.

Nhưng khi Cá chưa kịp làm gì, bỗng nó thấy cả nhóm Voi, Hải cẩu và Chó cùng nhau đẩy cái cây xuống dòng sông gần đó. Một cách nhanh chóng, các con vật đưa Cá đến gần sông thả xuống nước và nhờ đó, Cá cũng bơi từ gốc lên đỉnh cây và hoàn thành bài kiểm tra một cách thuận lợi. 

Nguồn: www.chandat.net

Mỗi con người đều là cá thể độc lập và riêng biệt. Không một ai giống một ai. Có người có thể chơi đùa với những con số thì cũng sẽ có người tung hứng những câu từ. Trí thông minh không chỉ có chỉ số IQ (Intelligence Quotient – chỉ số thông minh) là tiêu chí đánh duy nhất, ngày nay EQ (Emotional Quotient – chỉ số cảm xúc) được xem như là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp, trong quan hệ xã hội hằng ngày. Do đó, sẽ thật không thỏa đáng khi kết luận một học sinh sẽ không thành công khi dành quá nhiều thời giờ đọc những quyển sách văn học mà không giải được những bài toán khoa học.

Thay vì cố gắng xây dựng môi trường giáo dục rập khuôn, xã hội hiện đại đang tạo ra một môi trường tôn vinh sự đa dạng và tôn trọng sự khác biệt. Đặc biệt nhấn mạnh tính đa dạng hoà nhập trong giáo dục nhằm xóa bỏ những rào cản, những định kiến khiến học sinh không thể phát huy năng lực và tiếp cận cơ hội.

Hộp 1: Định nghĩa Giáo dục hòa nhậpTheo thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập với người khuyết tật, “giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục”.

Đẩy mạnh đa dạng hòa nhập trong giáo dục, các trường học đang có những thay đổi cụ thể:  

  • Khuôn viên trường được thiết kế thân thiện với người sử dụng xe lăn – từ sơ đồ mặt bằng và lối đi thang máy, cho đến các chi tiết như thảm mềm hơn cho phép xe lăn di chuyển dễ dàng hơn. 
  • Hệ thống bảng chỉ dẫn chữ nổi trên toàn khuôn viên và ký túc xá nhà trường. Ngoài ra, trường còn thực hiện một mẫu bản đồ dập nổi của khuôn viên nhằm giúp các sinh viên khiếm thị định hướng.
  • Các biển báo được lắp đặt trên cửa ở độ cao thích hợp, cho phép người khiếm thị nhận biết nhanh chóng bằng xúc giác và vừa với tầm mắt của người ngồi trên xe lăn, các tiện ích khác bao gồm các loại ghế linh hoạt cũng như ghế cố định để đảm bảo sự an toàn và thoải mái cho sinh viên với những nhu cầu khác nhau. Thiết lập các công nghệ hỗ trợ như trình đọc màn hình Jaws, máy tính hiệu suất cao với màn hình lớn, máy hiển thị chữ nổi, đèn thị lực.
Nếu được tiếp xúc với một môi trường đa dạng và hoà nhập, mỗi cá nhân sẽ được:Phát triển thế mạnh và năng khiếu của cá nhân, với những kỳ vọng cao và phù hợp.Làm việc theo các mục tiêu cá nhân trong khi tham gia vào cuộc sống trong lớp với các bạn cùng lớp sẽ nâng cao khả năng của mỗi người.Thu hút sự tham gia của phụ huynh, các bên liên quan vào việc giáo dục học tập của con em họ và trong các hoạt động của trường học tại địa phương.Thúc đẩy văn hóa tôn trọng và thuộc về học đường.Giáo dục hòa nhập mang lại cơ hội học hỏi và chấp nhận sự khác biệt của từng cá nhân, giảm tác động của việc bị bắt nạt và bắt nạt.Phát triển tình bạn với nhiều cá nhân khác, mỗi người đều có nhu cầu và khả năng riêng của mình.Đánh giá cao sự đa dạng và hòa nhập ở cấp độ rộng hơn trong một cộng đồng. (Nguồn: www.formacionyestudios.com)

Nhằm góp phần thúc đẩy các thay đổi mang tính hệ thống, Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (Chương trình TVET) đang thực hiện các giải pháp toàn diện để tạo dựng một môi trường giáo dục và việc làm hòa nhập, dễ tiếp cận cho mọi đối tượng. Chương trình được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (TC GDNN), thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA).

Chương trình đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp và thúc đẩy vấn đề hòa nhập trong giáo dục nghề nghiệp như học bổng cho học sinh khuyết tật, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho ban lãnh đạo, nâng cao năng lực giảng dạy, quản lý học sinh cho giảng viên và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối tác. Sau các khóa đào tạo, các cán bộ hiểu được khái niệm về người khuyết tật, hiểu được lợi thế của việc đào tạo hòa nhập, từ đó đưa ra các chính sách và chiến lược thúc đẩy hòa nhập của người khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ giảng viên cũng có kiến thức và kỹ năng về điều chỉnh chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy và đánh giá phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng người khuyết tật với từng dạng tật khác nhau. Ngoài ra, trong năm 2022, Chương trình sẽ chú trọng vào việc tổ chức các khóa tập huấn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về giáo dục và môi trường làm việc hòa nhập, đồng thời giới thiệu các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tư vấn về các điều chỉnh hợp lí giai đoạn đào tạo tại doanh nghiệp và vị trí việc làm cho người khuyết tật.