Hà Nội ngày 13-14 tháng 1 năm 2016
Làm thế nào để phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và hiệp hội doanh nghiệp để xây dựng tiêu chuẩn nghề và chuẩn đầu ra nhằm đảm bảo đào tạo nghề gắn với việc làm và tính tương thích giữa trình độ nghề của Việt Nam và trình độ nghề quốc tế là vấn đề thời sự đang được các vụ chuyên môn thuộc Tổng Cục Dạy Nghề (TCDN) và các cơ sở đào tạo nghề quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập ASEAN và toàn cầu hóa.
Hội thảo về tiêu chuẩn nghề và chuẩn đầu ra được TCDN và Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”-GIZ đồng tổ chức vào ngày 13 và 14 tháng 1 năm 2016 tại Hà Nội. Tham gia hội thảo có lãnh đạo TCDN và đại diện các vụ chuyên môn, Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề và Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Công tác Xã hội (VVTA&SWA) cùng các chuyên gia Đức. Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng- Chủ tịch VVTA&SWA nhấn mạnh ‘Việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo nghề dựa trên tiêu chuẩn nghề, phản ánh nhu cầu của nhà tuyển dụng đối với nhân sự làm nghề đó tại doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng vì nó đảm bảo rằng người học nghề có thể làm việc hiệu quả ngay sau khi tốt nghiệp.’
Bài trình bày của đại diện các vụ chuyên môn và Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề thuộc TCDN đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho các thảo luận sôi nổi liên quan đến hiện trạng và kế hoạch dự kiến xây dựng tiêu chuẩn kĩ năng nghề, xây dựng chương trình đào tạo, khái niệm chuẩn đầu ra theo Khung Trình độ Quốc gia và đào tạo và phát triển giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nghề.
Phần trình bày của các chuyên gia Đức cung cấp góc nhìn quốc tế liên quan đến các định nghĩa khác nhau về tiêu chuẩn, các phương pháp xây dựng tiêu chuẩn tại Đức và các nước châu Âu khác, định nghĩa chuẩn đầu ra tại châu Âu và mối quan hệ của nó với chuẩn trình độ, việc công nhận và tương thích cũng như tác động của nó đối với việc quản lý hệ thống đào tạo nghề và nhân sự dạy nghề. Tiến sĩ Harry Stolte, trưởng nhóm chuyên gia Đức, nhấn mạnh: ‘Mỗi quốc gia cần căn cứ vào bối cảnh lịch sử và kinh tế -xã hội của mình để lựa chọn mô hình phù hợp nhất cho họ. Chúng ta không thể sử dụng tiêu chuẩn nghề và chuẩn đầu ra của Đức cho Việt Nam vì bối cảnh và năng lực của hai hệ thống hoàn toàn khác biệt.’
Qua các bài trình bày và phiên thảo luận, hội thảo đã đưa ra một số đề xuất. Tại Việt Nam, việc xây dựng các tiêu chuẩn hướng tới nhu cầu của thị trường lao động vẫn là một thách thức; do đó tất cả các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp đều phải tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kĩ năng nghề. Việc phát triển năng lực xây dựng và cập nhật tiêu chuẩn kĩ năng nghề tại Việt Nam cũng cần được quan tâm. Tương tự, tác động của tiêu chuẩn kĩ năng nghề đối với xây dựng chương trình đào tạo và phát triển giáo viên cũng cần được chú ý. Đặc biệt, nguồn nhân sự đào tạo nghề có năng lực và tâm huyết là yếu tố chủ chốt quyết định việc triển khai thành công các tiêu chuẩn trong đào tạo nghề.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, kết luận ‘Hội thảo là một diễn đàn hiệu quả cho những thảo luận hai chiều về các khái niệm và phương pháp tiếp cận đối với tiêu chuẩn nghề và chuẩn đầu ra cũng như nội hàm của chúng đối với xây dưng tiêu chuẩn kĩ năng nghề quốc gia, xây dựng chương trình đào tạo và phát triển giáo viên tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục và thường xuyên trao đổi và hợp tác chặt chẽ với Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” về chủ đề này sau hội thảo.’