Hà Nội, ngày 18-19.1.2011
Ngày 18.1.2011, Hội thảo Khởi động “Chương trình Đào tạo nghề 2008” (PVT2008), một hợp phần thuộc Chương trình Hợp tác Việt – Đức Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam, đã được tổ chức dưới sự khai mạc của Tiến sĩ Horst Sommer, Điều phối viên Lĩnh vực Ưu tiên, Giám đốc Chương trình. Chương trình Đào tạo nghề 2008 có mục tiêu hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam trong việc tăng số lượng đội ngũ lao động có trình độ và được đào tạo theo nhu cầu cho các lĩnh vực kinh tế với tiềm năng phát triển. Chương trình nhằm hỗ trợ thanh niên có nhu cầu về đào tạo nghề, người lao động có việc làm mong muốn nâng cao tay nghề cũng như giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề của 5 cơ sở đào tạo tham gia dự án (đó là: Trường CĐN Công nghiệp Việt Bắc – VINACOMIN, Trường CĐN Kinh tế -Kỹ thuật Bắc Ninh, Trường TCN Ninh Thuận, Trường CĐN Long An, và Trường CĐN An Giang).
Hội thảo được tổ chức tiếp theo quá trình hoàn thành xây dựng Đề án Phát triển trường. Các Đề án này trình bày định hướng phát triển của các cơ sở đào tạo do đó có ý nghĩa làm cơ sở cho việc lập kế hoạch hoạt động chi tiết. Các Đề án đã được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các chuyên gia TCDN, GIZ Việt Nam, Ngân hàng Tái thiết Đức Việt Nam (KfW) và các chuyên gia quốc tế. Tổng cục trưởng TCDN, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng đã đánh giá cao chất lượng các Đề án Phát triển và khẳng định sự đồng thuận của TCDN với GIZ và KfW về các lĩnh vực nghề (cơ khí, điện/điện tử công nghiệp và cơ điện tử) đã được xác định hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo. Ông cũng nhấn mạnh rằng Chương trình Đào tạo nghề 2008 sẽ góp phần giúp Việt Nam tạo ra lực lượng lao động có tay nghề đạt trình độ khu vực đối với các lĩnh vực nghề được hỗ trợ.
Một nội dung quan trọng của hội thảo là phần trình bày về mô hình “xưởng 3 cấp độ”. Phương pháp tiếp cận này cho thấy đào tạo hướng cầu, đào tạo thực hành trên cơ sở lồng ghép chặt chẽ với đào tạo lý thuyết, phải được tổ chức thực hiện ở cả 3 cấp độ (đào tạo cơ bản, đào tạo thực hành chuyên vào nghề, và đào tạo trong điều kiện vị trí công việc), đồng thời phải đồng nhất với các yêu cầu của vị trí làm việc tương lai. Theo cách tiếp cận này, các hoạt động Hợp tác Kỹ thuật (HTKT) đã được xác định và trình bày trong Đề án Phát triển gồm đào tạo nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, điều chỉnh, cập nhật và xây dựng mô đun đào tạo cũng như thiết bị dạy và học. Tiếp theo, các hoạt động Hợp tác Tài chính (HTTC) như đấu thầu, giao hàng và lắp đặt thiết bị đào tạo phù hợp, cũng đã được dự kiến cho phù hợp với các hoạt động HTKT. Các hoạt động HTKT và HTTC là phụ thuộc chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu đào tạo một cách thành công. Các gói hoạt động HTKT và HTTC cũng đã được trình bày tại hội thảo và nhận được phản hồi xây dựng tích cực cũng như các ý kiến đóng góp quý báu từ các đại biểu liên quan các vấn đề thực tiễn trong quá trình triển khai.
Theo kế hoạch, Đề án Phát triển của 5 cơ sở đào tạo nghề sẽ được các cơ quan hữu quan Việt Nam phê duyệt vào tháng 2.2011. Theo đó, kế hoạch hành động năm 2011 sẽ được xây dựng và các hoạt động đầu tiên có thể bắt đầu được triển khai ngay sau đó. Kết thúc hội thảo, các bên đều khẳng định sự đồng thuận và cam kết thực hiện thành công Chương trình Hợp tác này.