Điều tra lần vết là một công cụ giúp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề. Nó cung cấp thông tin phản hồi về người học sau khi tốt nghiệp, có thành công hay không, và đang phát triển thế nào trên thị trường lao động, ví dụ, liệu, ở những nơi đâu và trong lĩnh vực nào, các lao động này đang làm việc và họ đánh giá thế nào về sự phù hợp và tính hữu dụng của chương trình đào tạo nghề mà họ đã học đối với công việc của mình. Bên cạnh đó, Điều tra lần vết còn hỗ trợ các cơ quan quan quản lý nhà nước về Dạy nghề phát triển và điều hành hệ thống theo nhu cầu thị trường. Nhận thức được những lợi ích này, Tổng cục Dạy nghề (TCDN) thuộc Bộ LĐTBXH đã xây dựng một Kế hoạch về đào tạo điều tra lần vết vào năm 2009, với sự hỗ trợ của tổ chức GIZ, Đức. Kế hoạch này đã thí điểm thành công tại 19 cơ sở đào tạo nghề đối tác được hỗ trợ trong khuôn khổ Hợp tác Việt – Đức về Đào tạo nghều. Đề án này đã cho thấy việc thực hiện điều tra lần vết là không khó thực hiện và không tốn kém.
Sau bước thí điểm thành công, lãnh đạo TCDN đã có kế hoạch áp dụng đề án này trên quy mô rộng hơn của Việt Nam. Và do đó, 5 cơ sở đào tạo nghề nữa (hiện đang xây dựng để đạt chuẩn quốc tế và chuẩn khu vực ASEAN) đã được lựa chọn để triển khai trong giai đoạn mở rộng 1 thực hiện năm 2011 theo phương pháp đã thí điểm.
Tiếp theo và cũng để thực hiện các kế hoạch trên, hội thảo tập huấn cơ bản cho các điều tra viên của 5 cơ sở đào tạo nghề mới đã được tổ chức từ ngày 5-7.12.2011 tại Hà Nội nhằm giới thiệu bộ công cụ, các bước triển khai, cách chọn mẫu cũng như phân tích số liệu ở mức độ cơ bản, bao gồm cả phần thực hành trên máy tính. Các học viên đánh giá cao khóa học này về tính phù hợp và hữu dụng của nó, và sắp tới trở về trường, họ sẽ tiếp tục tổ chức điều tra trong năm 2012.
“Kiến thức và kỹ năng học được từ khóa học này sẽ giúp chúng tôi áp dụng không chỉ vào việc thực hiện điều tra và phân tích số liệu, mà cả trong việc quản lý số liệu về học sinh từ khi tuyển sinh đến khi các em tốt nghiệp”, một học viên chia sẻ tại cuối khóa học.
Khóa học tiếp theo cũng được tổ chức trong giai đoạn này từ ngày 9-10.12.2011 dành cho đối tượng đã hoàn thành các bước tập huấn cơ bản và đã tham gia triển khai điều tra. Đây là bước cuối của quá trình tập huấn dành cho điều tra viên của 19 cơ sở đào tạo nghề do chuyên gia quốc tế đảm nhận. Kết quả điều tra của 19 cơ sở này cho thấy việc triển khai điều tra tại cơ sở đã được thực hiện tốt và khóa tập huấn này cũng tập trung vào việc phân tích số liệu ở cấp nâng cao, ví dụ: phân tích phương pháp hồi quy với đường xu hướng, phân tích mối quan hệ giữa các biến số, v.v… Đặc biệt, các học viên cùng nhau thống nhất cấu trúc báo cáo cho điều tra lần vết, và vì thế, các học viên này về sau không chỉ có khả năng tổ chức điều tra lần vết, phân tích số liệu mà còn có thể viết báo cáo trình lãnh đạo, cáp cấp để nâng cao chất lượng đào tạo.
Khóa tập huấn nâng cao do chuyên gia quốc tế thực hiện trong khi khóa cơ bản được 2 chuyên gia trong nước thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học và Dạy nghề (TCDN) thực hiện. Cả 2 chuyên gia này đều được nâng cao năng lực qua suốt quá trình tập huấn và thí điểm. Thạc sỹ Phạm Xuân Thu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Dạy nghề đã nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc về tầm quan trọng của việc tổ chức đào tạo nghề phù hợp nhu cầu thị trường và điều tra lần vết là một công cụ đánh giá rất hiệu quả trong việc đánh giá tác động ngoài của quá trình đào tạo và trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Với tinh thần này, TCDN đã khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề triển khai Điều tra lần vết như một hoạt động định kỳ của cơ sở.