TVET Vietnam

“Khóa đào tạo nâng cao về phân tích dữ liệu chuyên sâu và viết báo cáo kết quả nghiên cứu lần vết”

Ngày 9 tháng 6 năm 2016 tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế, Bà Trần Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng Dạy nghề/ Tổng cục Dạy nghề đã khai mạc “Khóa đào tạo nâng cao về phân tích dữ liệu chuyên sâu và viết báo cáo kết quả nghiên cứu lần vết” giành cho các cán bộ triển khai nghiên cứu lần vết đến từ tám trường cao đẳng nghề trong khuôn khổ hợp tác giữa “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” và Cục Kiểm định Chất lượng Dạy nghề.

Bà Hà chia sẻ rằng Cục Kiểm định Chất lượng Dạy nghề đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ 8 trường cao đẳng nghề về việc áp dụng ba công cụ quản lý chất lượng (nghiên cứu lần vết, khảo sát doanh nghiệp và quản lý xưởng thực hành) mà “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đang chuyển giao cho họ. Những công cụ này thực sự hữu dụng đối với các cơ sở đào tạo nghề phục vụ công tác quản lý chất lượng nội bộ. Chúng hỗ trợ cho những nỗ lực của các cơ sở đào tạo nghề trong việc cải thiện liên tục chất lượng.

TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng Dạy nghề, trong phần thảo luận với các cán bộ nghiên  cứu lần vết tham dự khóa đào tạo nhấn mạnh rằng các cán bộ đến từ tám cơ sở đào tạo nghề cần tiếp tục chủ động trong việc lập kế hoạch và triển khai các nghiên cứu lần vết tiếp theo cũng như nhân rộng các kiến thức, kỹ năng đã lĩnh hội được cho các đồng nghiệp khác ở trường. Các cán bộ nghiên cứu lần vết cùng lãnh đạo của các trường tham gia cần xác định rằng việc triển khai nghiên cứu lần vết là một hoạt động thường xuyên của nhà trường. TS. Bình yêu cầu tất cả các trường tham gia cần sử dụng ngay những kết quả của các cuộc khảo sát cho việc cải thiện chất lượng đào tạo trong những tháng tới.

Khóa đào tạo nâng cao diễn ra trong hai ngày, từ ngày 9 đến 10 tháng 6 năm 2016 nhằm (i) chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai tại trường và đưa ra những khuyến nghị cho việc triển khai các nghiên cứu lần vết tiếp theo được thuận lợi hơn; (ii) cung cấp các kỹ năng và kiến thức về cách phân tích mối quan hệ giữa các biến số quan trọng từ hai cuộc khảo sát của một vòng nghiên cứu lần vết cũng như cách viết báo cáo kết quả nghiên cứu lần vết hiệu quả (bao gồm: trình bày mục đích, quá trình triển khai và kết quả khảo sát/nghiên cứu) . Ngoài ra, các cán bộ tham gia khóa đào tạo còn được học cách sử dụng Google Form thiết kế bảng hỏi và khảo sát qua email và mạng xã hội face-book. Với phương pháp khảo sát mới này, phản hồi từ các em học viên tốt nghiệp sẽ tăng lên. Vào cuối khóa đào tạo, mỗi người tham dự đã làm một bài kiểm tra về phân tích dữ liệu của trường họ và viết một phần báo cáo về kết quả nghiên cứu lần vết vòng 2015-2016.

Trong phần chia sẻ các bài học kinh nghiệm, chị Ngô T. Phúc Hải, cán bộ triển khai nghiên cứu lần vết và khảo sát doanh nghiệp của Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế chia sẻ rằng ban đầu chị đã không biết làm thế nào để thiết lập một bộ các hạng mục năng lực cho bảng hỏi đối với các nghề du lịch. Với sự tư vấn của chuyên gia GIZ, chị đã gặp cán bộ nhân sự của một số các khách sạn và cùng họ soạn thảo các hạng mục năng lực quan trọng mà các học viên tốt nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu của người sử dụng lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.  Chị Trúc Lan, cán bộ triển khai nghiên cứu lần vết và khảo sát doanh nghiệp đến từ Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt chia sẻ rằng chị sẽ áp dụng phương pháp khảo sát mới (sử dụng Google Form thay vì gửi bảng hỏi truyền thống qua bưu điện nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian)

Kết thúc khóa đào tạo, tất cả các cán bộ tham gia đều thống nhất rằng họ sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu và soạn thảo một báo cáo xúc tích về các kết quả của vòng nghiên cứu lần vết 2015-2016 đến giữa tháng 7. Bản dự thảo báo cáo sẽ được chia sẻ với GIZ và Cục Kiểm định Chất lượng Dạy nghề để nhận góp ý. Bản dự thảo báo cáo cuối cùng sẽ được trình cho lãnh đạo trường vào giữa tháng 8 năm 2016 để phục vụ cho công tác cải thiện chất lượng đào tạo.

TIN TỨC KHÁC