TVET Vietnam

Dự giờ – một công cụ quản lý chất lượng hiệu quả dùng trong Chương trình Đào tạo nghề Hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp

“Em rất thích các giờ học trong doanh nghiệp. Tại đây chúng em nhận biết được những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của công việc trên thực tế, giúp em chuẩn bị tốt hơn cả về tinh thần lẫn năng lực chuyên môn cho công việc trong tương lai’, sinh viên Nguyễn Xuân Anh chia sẻ với các chuyên gia sau buổi dự giờ.

Dự giờ được sử dụng là một công cụ quản lý chất lượng nhằm giám sát quá trình thực hiện các bài giảng định hướng thực tiễn trong khuôn khổ chương trình đào tạo hợp tác nghề “kỹ thuật viên xử lý nước thải” được bắt đầu từ tháng 11 năm 2015.

Chương trình đào tạo nghề kéo dài ba năm này hiện đang được thí điểm tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ hợp phần 3 “Đào tạo nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải” thuộc “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” – Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ). Tính ưu việt của chương trình đào tạo nghề hợp tác là sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường Cao đẳng nghề Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Hội cấp thoát nước Việt Nam và năm doanh nghiệp ngành xử lý nước thải tại TP HCM, Bình Dương, Khánh Hòa, Cần Thơ và Bà Rịa Vũng Tàu trong việc phát triển bộ tiêu chuẩn nghề, phát triển và triển khai chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Đức.

Mục tiêu của chương trình đào tạo hợp tác là thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa cung và cầu, bởi vậy nó khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào đào tạo nghề. Sự phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo giúp trường nghề cắt giảm kinh phí đầu tư vào các trang thiết bị thực hành đắt tiền mà vẫn đảm bảo đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và đúng như thực tiễn. Các học viên được trang bị đồng thời và đầy đủ kiến thức lý thuyết tại trường nghề, năng lực và thái độ làm việc thực tế tại doanh nghiệp.  Để đảm bảo chất lượng đào tạo, các giảng viên của trường và cán bộ đào tạo của doanh nghiệp được tiếp nhận các khóa đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp sư phạm theo tiêu chuẩn Đức do hợp phần 3 phối hợp cùng các chuyên gia Đức thực hiện.

Từ ngày 3/5 đến ngày 5/8/2016, các chuyên gia của “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” – (GIZ) đã tiến hành hoạt động dự giờ tại ba công ty đối tác – Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương, Công ty TNHH Thoát nước & Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Công ty TNHH MTV Thoát Nước Đô Thị TPHCM. Kết quả dự giờ cho thấy các học viên lớp thí điểm được tiếp nhận những kiến thức thực tế thông qua việc thực hiện một số công việc cụ thể  tại các nhà máy xử lý nước thải. Giờ giảng thú vị với những bài thực hành đa dạng đã tạo hứng thú cho học viên tham gia tích cực vào bài học và giúp học viên nhanh chóng nắm bắt được kiến thức thực tiễn và các kỹ năng làm việc. Tính thực tế của nội dung bài giảng cũng như kiến thức và kỹ năng nghề của cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp được đánh giá ở mức xuất sắc. Ngoài ra, giờ học thực hành trong môi trường làm việc thực tế đã nâng cao nhận thức về an toàn lao động của các học viên. Không những luôn phải sử dụng thiết bị bảo hộ lao động đúng quy cách trong các giờ học tại doanh nghiệp, các học viên còn phải nắm rõ các mối nguy hiểm tại nơi làm việc cũng như đặc điểm và tác dụng của thiết bị bảo hộ lao động.

 “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã phát triển và đang áp dụng công cụ quản lý chất lượng – “dự giờ” đồng bộ tại tất cả các trường nghề đối tác và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng của các giờ giảng định hướng thực tiễn. Công cụ dự giờ này cung cấp những phản hồi mang tính hệ thống và liên tục cho các giáo viên trường nghề và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp về mức độ định hướng người học và tính thực tiễn của giờ giảng mà họ thực hiện.  Những phản hồi này rất hữu ích cho quá trình phát triển chất lượng theo tiêu chuẩn Đức, để xác định những điều đã thực hiện tốt và chưa tốt trong đào tạo, tạo cơ sở cho những cải thiện cần thực hiện nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Trong tương lai gần, chương trình đào tạo hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp có khả năng cung cấp lực lượng lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về lực lượng lao động lành nghề của các công ty trong và ngoài nước, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đào tạo nghề Việt Nam đến năm 2020.

TIN TỨC KHÁC