Hà Nội, 17-21.6.2014
Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức GIZ triển khai loạt các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực về Quản lý cơ sở đào tạo nghề cho hiệu trưởng và cán bộ quản lý trẻ các cơ sở dạy nghề đối tác, nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề trong Chiến lược phát triển Dạy nghề đến năm 2020.
Như được nêu rõ trong chiến lược Phát triển Dạy nghề, mục tiêu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề được đặt làm ưu tiên cao trong các kế hoạch, chiến lược không chỉ của lĩnh vực Dạy nghề, mà cả của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Trong năm 2013, là một nước thành viên tham gia Dự án Khu vực về “Quản lý cơ sở đào tạo nghề” do bộ phận Phát triển năng lực con người (HCD) thuộc tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ trực tiếp thực hiện, Việt Nam đã được hỗ trợ thực hiện khóa tập huấn dành cho lãnh đạo và cán bộ quản lý 7 cơ sở đào tạo nghề đối tác thuộc Chương trình hợp tác Việt – Đức Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam. Kết quả của khóa tập huấn này, 20 hiệu trưởng và cán bộ quản lý trẻ đã được tập huấn về kiến thức tổng quan của chủ đề “Quản lý cơ sở đào tạo nghề” cũng như các công cụ đánh giá, giám sát, các công cụ xây dựng kế hoạch công việc, kế hoạch phát triển nhân sự, đặc biệt những mô hình, cách làm đạt kết quả tốt trong môi trường CHLB Đức. Cuối khóa đào tạo, các đại biểu được mời đưa ra khuyến nghị về những vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn, phù hợp hơn với bối cảnh Việt Nam.
Song song với khóa tập huấn trong nước, một nhóm 6 cán bộ nhân rộng đã được lựa chọn để thực hiện khóa đào tạo sâu về các vấn đề chuyên môn cũng như phương pháp thực hiện đào tạo nhân rộng đối với lĩnh vực này. Nhóm cán bộ nhân rộng đã được đào tạo tại CHLB Đức thông qua các giờ giảng cũng như chuyến tham quan thực tập tại một số cơ sở đào tạo nghề của Đức. Khi trở về nước, các cán bộ nhân rộng tiếp tục được chuyên gia Đức hỗ trợ, qua 2 vòng hội thảo tư vấn, để xây dựng chương trình đào tạo nhân rộng đáp ứng nhu cầu (nội dung) nhóm cán bộ “trong nước” đề xuất nghiên cứu sâu hơn vì tính quan trọng và phù hợp với bối cảnh cơ sở đào tạo nghề ở Việt Nam.
Trên cơ sở đó, khóa đào tạo nhân rộng đầu tiên đã được thực hiện theo nhu cầu đề xuất cho các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam. Trong phát biểu khai mạc, ông Hanno Knaup cho rằng các cán bộ quản lý cần hiểu rõ bối cảnh khu vực và cơ sở đào tạo của mình, để lựa chọn mô hình cũng như công cụ quản lý quản lý phù hợp nhất. Cũng với tinh thần này, khóa đào tạo đã được triển khai theo phương pháp “mở”. Điều này cho phép học viên cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, từ bối cảnh từng cơ sở khác nhau. Từ đó, khóa đào tạo trở thành “diễn đàn” mà các học viên không chỉ thu lượm được kiến thức, ý tưởng mới mà còn có cơ hội phân tích những vấn đề và thách thức thực tiễn của từng cơ sở. Khi khóa đào tạo kết thúc, một học viên đã chia sẻ ấn tượng về phương pháp mà khóa đào tạo được tổ chức, về những kinh nghiệm thực tiễn phù hợp và không phù hợp, ở Đức và Việt Nam mà các đồng nghiệp đã cùng chia sẻ, nghiên cứu. Ông nói “chúng tôi không chỉ biết thêm các công cụ quản lý, mà quan trọng hơn, chúng tôi tự tin hơn khi lựa chọn và áp dụng những công cụ này”.