Đồng Nai, 07/07/2017
Hai khóa đào tạo về “Kỹ thuật Điện cơ bản” và “Bảo trì trong lĩnh vực Kỹ thuật điện” đã được tổ chức thành công tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2. Tham gia giảng dạy các khóa đào tạo này là hai giáo viên nòng cốt có trình độ và kinh nghiệm của LILAMA 2, với sự hướng dẫn của Chuyên gia phát triển, Ông Michael Stark. Thông qua cung cấp và triển khai các khóa đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, LILAMA 2 đang dần tiến tới hoạt động như một trung tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của các cơ sở đào tạo khác và đây cũng là một tiêu chí quan trọng của Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề.
Khóa đào tạo “Kỹ thuật Điện cơ bản” diễn ra từ ngày 26 đến 30 tháng 6 năm 2017. Tham gia khóa đào tạo này là 17 giáo viên/ kỹ thuật viên điện, điện tử và cơ điện tử đến từ các trường đối tác của Chương trình: Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, Cao đẳng Kỹ nghệ 2 (HVCT) và Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi (VCMI). Ngoài ra, còn có sự tham gia lần đầu của 2 kỹ thuật viên Trường Quốc tế Đức (IGS). Trong thời gian diễn ra khóa đào tạo, người học được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản cần thiết liên quan tới lĩnh vực kỹ thuật điện được áp dụng phổ biến trong công nghiệp. Họ cũng được hướng dẫn để nâng cao các năng lực về lắp đặt, kiểm tra và vận hành các ứng dụng cụ thể (như mạch điện điều khiển với các ổ cắm, 2 công tắc và 1 đèn chiếu sáng; mạch đổi nối sao – tam giác cho động cơ không đồng bộ) theo tiêu chuẩn quốc tế.
Khóa đào tạo “Bảo trì trong lĩnh vực Kỹ thuật điện” diễn ra từ ngày 03 đến 07 tháng 07 năm 2017. Tham gia khóa đào tạo này là 16 giáo viên/ kỹ thuật viên điện, điện tử và cơ điện tử đến từ các trường đối tác của Chương trình: LILAMA 2 và HVCT. Khóa đào tạo này đã trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng cơ bản về phương pháp quản lý xưởng thực hành 5S và các quy trình bảo trì liên quan. Họ được hướng dẫn (i) bảo trì máy móc, thiết bị (như các máy nén khí, máy khoan, ê tô) và các dụng cụ; (ii) đo và kiểm tra hệ thống điện bằng thiết bị kiểm tra lắp đặt chuyên dụng; (iii) kiểm tra/ đánh giá tủ điều khiển tại các xưởng thực hành cơ điện tử.
Tất cả các bài tập thực hành trong các khóa đào tạo này đều được lựa chọn từ các tình huống thực tế. Đối với một số bài tập thực hành, người học được yêu cầu tìm kiếm thông tin và tài liệu liên quan từ Internet, tự lập kế hoạch, tự thực hiện cũng như tự đánh giá chất lượng công việc/ sản phẩm theo yêu cầu đặt ra. Đây là điều kiện tiên quyết nhằm xây dựng và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu để có khả năng giải quyết các tình huống thực tế.
Kết thúc các khóa đào tạo, tất cả học viên đều nhận thấy nội dung được học là cần thiết và bổ ích cho công việc (giảng dạy) của họ. Ông Duy (HVCT) và Ông Hiếu (LILAMA 2) đã chia sẻ trong buổi lễ tổng kết rằng, họ đánh giá rất cao những kiến thức và kỹ năng đạt được từ các khóa đào tạo cũng như năng lực chuyên môn của các giáo viên nòng cốt LILAMA 2.
Các khóa đào tạo này được tổ chức trong khuôn khổ Lĩnh vực hoạt động “Hỗ trợ xây dựng các Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề”, một hợp phần thuộc Hợp tác Phát triển Việt-Đức “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức.